221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1303911
Cuộc đua vào Thượng viện Mỹ của cụ ông 95 tuổi
1
Article
null
Cuộc đua vào Thượng viện Mỹ của cụ ông 95 tuổi
,

- Với triết lý sống "vì công lý", cụ Ken Hechler, 95 tuổi, quyết định ra tranh cử chiếc ghế thượng nghị sỹ Mỹ tại tiểu bang Tây Virginia trong cuộc bầu cử sơ bộ hôm nay (28/8). Với tuyên bố này, cụ giữ kỷ lục "ứng viên thượng nghị sỹ già nhất hành tinh".

Sinh ngày 20/9/1914 tại Roslyn, New York, cụ Ken Hechler là một chính trị gia giàu kinh nghiệm thuộc Đảng Dân chủ. Cụ từng thẩm vấn những tên phát xít đầu sỏ trước phiên tòa Nuremberg. Dưới thời chính quyền Tổng thống Harry Truman (1949 - 1953), cụ làm trợ lý Nhà Trắng, sau đó là thành viên Hạ viện từ 1959 -1977 và giữ chức Tổng thư ký tiểu bang Tây Virginia trong 4 khóa (1985 - 2001).

Nay cụ chính thức cạnh tranh với Thống đốc tiểu bang này, Joe Manchin, chiếc ghế bỏ trống trong Thượng viện do thượng nghị sỹ Robert Byrd, 92 tuổi, vừa qua đời để lại.

Mô tả ảnh.
Bất chấp cơ hội giành chiến thắng mong manh và tuổi cao, cụ Ken Hechler vẫn đi vận động tranh cử khắp các ngõ ngách của tiểu bang bằng chiếc xe jeep màu đỏ. Ảnh: wvgazette

Cụ Hechler tự tin khẳng định: "Mọi người có thể cho rằng tôi quá già xét về tuổi tác, nhưng tôi có tâm hồn, trái tim, nhiệt huyết của một thanh niên 35 tuổi".

Tranh cử vì dân

Trả lời phỏng vấn tạp chí Salon (Mỹ) mới đây, cụ Hechler cho biết không có ý định tranh chấp quyền lực chính trị với bất cứ ai. Cụ chạy đua ghế thượng nghị sỹ chỉ là để chuyển tải nỗi bức xúc của người dân tới chính quyền xung quanh vấn đề khai thác than đá trên các đỉnh núi ở Tây Virginia.

Trong mấy năm qua, vấn đề này đã gây ra cuộc tranh luận nảy lửa ở khắp vùng núi Appalachia miền Đông nước Mỹ. Những người khởi xướng cho rằng việc khai thác than đá trên núi là cách thức hiệu quả và kinh tế để có được các vỉa than trữ lượng lớn, với độ an toàn lớn hơn khai thác than dưới lòng đất. Họ còn viện dẫn ngành công nghiệp này tạo công ăn việc làm cho người dân khu vực, một số vùng núi sau khi khai thác than có thể chuyển thành khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã hoặc làm sân golf.

Nhưng thực tế tác động môi trường rất đáng lo ngại. Khi lớp đất đá bên trên vỉa than được xới lên, chúng thường tràn xuống các thung lũng phía dưới, chặn đứng dòng chảy sông suối và gây ô nhiễm nguồn nước, bồi lấp đất đai nông nghiệp... Năm 2010, nhiều người dân địa phương cùng các nhà môi trường đồng loạt lên tiếng phản đối hành động mà họ gọi là “cưỡng hiếp vùng Appalachia”.

Mô tả ảnh.
Khẩu hiệu tranh cử của cụ Hechler: Vì một Tây Virgina tốt đẹp hơn - Chấm dứt khai thác than trên núi. Ảnh: wvgazette

Với khẩu hiệu tranh cử "Vì một Tây Virgina tốt đẹp hơn - Chấm dứt khai thác than trên núi", cụ Hechler hy vọng hàng ngàn cử tri lần đầu tiên có cơ hội lên tiếng đòi bãi bỏ hoạt động khai thác than đá trên các đỉnh núi thông qua lá phiếu bầu cho cụ. Cụ cho rằng ngành công nghiệp than đá trên núi tạo ra rất ít việc làm cho dân địa phương, bởi nó cần các chuyên gia thuốc nổ nhiều hơn thợ mỏ. Theo cụ Hechler, cải tạo môi trường sau các phi vụ khai thác than trên núi chẳng khác nào "cố đánh son môi cho xác chết".

Trong khi đối thủ Joe Manchin hứa tìm cách cân bằng giữa lợi ích của ngành khai thác than và lợi ích môi trường, cụ Hechler lại cho rằng thực tế ông Thống đốc đang "100% đứng về phe ủng hộ khai thác than trên núi". Tự nhận mình là kẻ thù của sự phân biệt đối xử, cụ Hechler cáo buộc các ông chủ ngành khai thác than vì lợi ích riêng đang lũng đoạn chính trường Tây Virginia, phớt lờ người dân bằng cách dùng tiền đánh bại các ứng viên có lập trường giống cụ.

Triết lý sống "Vì công lý"

Năm 2008, bộ phim tài liệu với nhan đề "Ken Hechler - Sự theo đuổi vì công lý" đã phản ánh triết lý sống theo pháp luật và vì công lý của cụ.

Cụ cũng công nhận "kim chỉ nam hành động" trong cuộc đời mình xoay quanh câu nói của cố Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson rằng: "Quyền bình đẳng cho mọi người, đặc quyền đặc lợi không thuộc về ai".

Chính vì lẽ đó, cụ Hechler trở thành nghị sỹ duy nhất trong Quốc hội Mỹ tham gia cuộc tuần hành do mục sư Martin Luther King phát động ở Selma năm 1965, chống lại tình trạng nghèo khó, nô lệ và đối xử bất công đối với người da đen tại Mỹ.

Năm 1969, cụ Hechler là "kiến trúc sư" của đạo luật Sức khỏe và An toàn khai thác mỏ liên bang. Đạo luật này quy định mức bụi tối đa được phép có trong các mỏ than đá, nhờ đó bảo vệ hàng trăm ngàn công nhân mỏ thoát khỏi bệnh ung thư phổi và giúp họ có được tiền đền bù bệnh nghề nghiệp xứng đáng.

Mô tả ảnh.
Cụ Hechler được nhiều cử tri đặt biệt danh "Bố già vĩ đại". Ảnh: wvgazette

Cụ cũng từng thuyết phục Cơ quan lập pháp Tây Virginia yêu cầu các ứng viên tranh cử vào các chức vụ chủ chốt của tiểu bang phải công khai việc đăng ký vốn vay, với thời hạn trả nợ rõ ràng.

Đặc quyền đặc lợi sinh ra mâu thuẫn và những quyết định chỉ vì lợi ích của một nhóm nhỏ trong xã hội .Vì vậy, cụ Hechler kêu gọi Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa hãy vì đại cục mà tạo bầu không khí hữu nghị hơn là việc "bới lông tìm vết" của nhau và chúi mũi vào những "trò bẩn".

Cụ cương quyết chỉ ra rằng công lý Mỹ ngày nay phải được thực thi qua việc cấm các hoạt động khai thác than đá trên đỉnh núi cũng như loại bỏ sự phân biệt đối xử chống lại bất cứ nhóm người nào trên đất nước.

Trước lập trường vững vàng, nỗ lực thu hút sự chú ý của người dân về vấn đề môi trường, cụ Hechler được nhiều cử tri, nhất là giới trẻ, hóm hỉnh đặt biệt danh "Bố già vĩ đại". Một số cử tri, trong đó có nhiều giáo viên, công nhân, do thất vọng với chính quyên của Thống đốc Manchin đang quay sang ủng hộ cụ Hechler.

Tuy nhiên, do mục đích ra tranh cử vì người dân và công lý, chuyện thắng thua trong cuộc đua tranh ghế thượng nghị sỹ lần này đối với cụ Hechler dường như không quan trọng.

"Tôi cảm thấy hài lòng. Tôi không bao giờ bất ngờ trước bất cứ điều gì xảy ra trong đời sống chính trị" - cụ nói với Hãng tin ABC News.

  • Võ Giang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,