221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1112328
Cán bộ và công chức: Bình đẳng trong tuyển dụng, sử dụng
1
Article
null
Cán bộ và công chức: Bình đẳng trong tuyển dụng, sử dụng
,

 - "Tôi mong muốn luật nêu được sự bình đẳng tương đối giữa cán bộ và công chức, trong cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, quyền, trách nhiệm cũng như chế độ lương", ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào, Phó trưởng Khoa Đào tạo, bồi dưỡng công chức, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh góp ý cho dự án Luật Cán bộ, công chức vừa được UBTVQH thảo luận kín cuối tuần qua.

Đã qua thời thiếu cán bộ

Thưa ông, khi tuyển dụng theo quy định của dự thảo Luật Cán bộ, công chức, liệu có đảm bảo chất lượng tương đương cho cán bộ, công chức cùng một cấp không?

ĐBQH Nguyễn Ngọc Đào: Cán bộ hay công chức, cứ sai là xử lý theo pháp luật chứ không thể có ưu ái, ưu tiên. Ảnh: VA

Dự thảo lần này đã tách rõ hai khái niệm, nói rõ ai là cán bộ, ai là công chức. Cán bộ là những người phục vụ trong các cơ quan Đảng, đoàn thể, là những người được bầu: bí thư các cấp ủy Đảng cho đến Tổng Bí thư, Thủ tướng... Tất cả những người được bầu, bổ niệm phê chuẩn gọi là cán bộ. Còn những người làm quản lý Nhà nước trực tiếp, trong các đơn vị sự nghiệp công được gọi là công chức. 

Đương nhiên khi nói đến cán bộ làm công tác Đảng, đoàn thể thì do bầu cử mà có chứ không thể tuyển được, có tuyển thì do anh hiệp thương giới thiệu tuyển, khâu đó cần làm và theo một cơ chế khác, nên bổ sung vào luật.

Tiêu chí lựa chọn đưa vào hiệp thương để bổ nhiệm từ xưa đến nay là mang tính xã hội, MTTQ đứng ra hiệp thương. Thí dụ phải là người tốt, trung thành với Tổ quốc, có uy tín với khu dân cư, chấp hành tốt pháp luật... chứ không nói đến năng lực. Khâu chuẩn bị lựa chọn để bầu, tuyển dụng, bổ nhiệm và phê chuẩn còn lỏng lẻo về tiêu chuẩn.

Thực ra vấn đề này đặt ra thì đúng nhưng giải quyết rất khó. Ai là người đứng ra đánh giá phẩm hạnh, chuyên môn? Chỉ có cơ quan nơi người đó công tác và lý lịch khoa học của người đó mới thể hiện trình độ chuyên môn. Như vậy trong tiêu chuẩn để bầu, dứt khoát phải có lý lịch khoa học.

Trong khi ta yêu cầu công chức phải có tri thức, phải có trình độ, có bằng đại học, bảng điểm, xem xét bằng cấp thì đối với cán bộ lại không có.

Đi tìm sự bình đẳng giữa cán bộ và công chức thì phải có tiêu chí. Ví dụ, bí thư đoàn quận chẳng hạn, phải có trình độ nhất định chứ không thể tốt nghiệp PTTH được, bí thư tỉnh ủy ít nhất phải có trình độ đại học. Đã qua rồi thời kỳ chúng ta thiếu cán bộ để bổ nhiệm hoặc bầu vào những chức vụ quan trọng. Bây giờ chúng ta đủ người, ngoài phẩm chất đạo đức, họ còn có trình độ. Tất nhiên có những thế hệ không có điều kiện làm việc này nhưng thế hệ tiếp theo phải làm được. Vì thế phải đưa vào luật ngay từ bây giờ. 

Bình đẳng tương đối 

Theo ông, những quy định trong tuyển dụng, đào tạo, sử dụng cán bộ, công chức như trong dự thảo Luật có đảm bảo được tính liên thông năng lực để luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan nhà nước và Đảng, tổ chức chính trị - xã hội?

"Đã vi phạm, xâm hại lợi ích cộng đồng, quốc gia là bình đẳng trên phương diện truy cứu trách nhiệm chứ không thể có chuyện bên này thì kiểm điểm, khiển trách, luân chuyển nhưng bên kia thì cách chức. Bởi cán bộ hay công chức đều là chức vụ được giao trong bộ máy công quyền nói chung. Họ đều là công bộc của dân". 

Trong Pháp lệnh công chức 2003 cũng như trong dự luật lần này chưa tính đến việc xử lý tình huống một cán bộ trở thành công chức và ngược lại, một công chức chuyển sang làm cán bộ. Một người đang làm công tác Đảng nay chuyển sang công tác chính quyền thì phải xử lý thế nào về vị thế, chế độ lương? Hoặc có nhiều trường hợp đang ở doanh nghiệp chuyển sang công chức.

Tôi biết rất nhiều trường hợp như vậy, ở doanh nghiệp có trình độ đại học lương cao "ngất ngưởng", sang làm công chức giữ nguyên. Trong khi, một công chức có trình độ tương đương, tuyển dụng vào cùng thời kỳ thì lương có khi phải 6 hoặc 9 năm sau mới theo kịp. 

Chúng ta có cách nhìn nhận tương đối đơn giản quá làm sinh ra nhiều bất cập. Có những ông bí thư huyện ủy trình độ đại học, lương cao hơn trưởng phòng nông nghiệp của huyện ấy có trình độ tiến sĩ. Điều này rất cần bàn.

Quay lại với việc bình đẳng giữa cán bộ và công chức, theo ông khái niệm bình đẳng này cần được hiểu trên những phương diện gì?

Có ba mảng phải tương đối bình đẳng. Thứ nhất là khâu tuyển dụng và bổ nhiệm. Làm sao phải tương đối bình đẳng về tiêu chí đánh giá đạo đức, phẩm hạnh và năng lực làm việc. Ví dụ tiêu chí ở cương vị này phải có trình độ này, cương vị kia phải có trình độ kia. Phải bình đẳng hai bên.

Thứ hai là quyền và trách nhiệm cũng phải bình đẳng. Lấy ví dụ một chủ tịch tỉnh và một bí thư tỉnh ủy. Quyền lực như thế nào. Bí thư thì lãnh đạo về Đảng chỉ chịu trách nhiệm trước Đảng, còn trách nhiệm trước pháp luật thì chưa rõ, nhưng ông chủ tịch phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình làm và trước Đảng với trách nhiệm là Đảng ủy viên hoặc Thường vụ. 

Vì vậy, nên xử lý trách nhiệm cũng cần bình đẳng. Cứ có vi phạm ở cấp nào là phải xử lý theo pháp luật tương ứng quyền và trách nhiệm chứ không thể có ưu ái, ưu tiên. Đã vi phạm, xâm hại lợi ích cộng đồng, quốc gia là bình đẳng trên phương diện truy cứu trách nhiệm chứ không thể có chuyện bên này thì kiểm điểm, khiển trách, luân chuyển nhưng bên kia thì cách chức. Bởi cán bộ hay công chức đều là chức vụ được giao trong bộ máy công quyền nói chung. Họ đều là công bộc của dân.

Và thứ ba là chế độ. Nếu bên cơ quan hành chính nhà nước là ngạch công chức thì bên cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội là ngạch gì, cũng phải nêu rõ. Không thể có ông bí thư huyện ủy trình độ thấp hơn mà lương lại cao hơn ông tiến sỹ trưởng phòng của huyện.

Chế độ nghỉ hưu cũng vậy. Hai bên đều phải như nhau, chỉ trừ một số trường hợp đặc biệt, như ủy viên Trung ương Đảng, Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị. Nhưng tôi muốn trong dự luật thay chữ "trong những trường hợp đặc biệt" bằng "trong những trường hợp cần thiết". Cần là cần cho Đảng, cho dân, chứ ở đây không nên nói "đặc biệt".

  •  Vân Anh
                                                      Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,