221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
1021642
Đi tìm giải pháp cho tranh chấp Trường Sa - Hoàng Sa
1
Article
null
Đi tìm giải pháp cho tranh chấp Trường Sa - Hoàng Sa
,

(VietNamNet) - Theo Tiến sỹ Từ Đặng Minh Thu (Đại học Sorbonne), cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần phải giải quyết càng sớm càng tốt. Để càng lâu, nó càng đe dọa hòa bình ở Đông Nam Á và có thể là hoà bình thế giới.

>> Không thể bẻ cong sự thật về Trường Sa - Hoàng Sa!
>>
 Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng của VN
>> Cơ sở pháp lý xác lập chủ quyền VN tại Hoàng Sa
>> "Chủ quyền lãnh thổ là không thể nhân nhượng"
>>  
Kỳ 1: Đội hùng binh của biển
>> Kỳ 2: Người dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa
>>Hải đội Hoàng sa (Kỳ 3): Bản hùng ca bất tử
>> Hải đội Hoàng Sa (kỳ 4): Đời đời không quên

Trong tham luận đọc tại Hội thảo Hè "Vấn đề tranh chấp Biển Đông" tổ chức trung tuần tháng 8/1998 (đăng trên tạp chí Thời đại mới tháng 7/2007), Tiến sỹ Từ Đặng Minh Thu đã phân tích cặn kẽ lập luận của phía Việt Nam và Trung Quốc để chứng minh: Tất cả những dữ kiện lịch sử và pháp lý cho thấy Trung Hoa không những không hành xử chủ quyền, không xem quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa như của Trung Hoa, mà lại còn minh thị và mặc thị công nhận chủ quyền của Việt Nam.

Để rộng đường dư luận, được sự đồng ý của Tiến sỹ Từ Đặng Minh Thu, VietNamNet trích đăng tham luận này của ông.

Phần 1: Chủ quyền lịch sử không thể phủ nhận

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều nại rằng mình đã khám phá, chiếm hữu và hành xử chủ quyền lâu đời. Chúng ta thử phân tích lý lẽ chủ quyền lịch sử của mỗi bên có đạt đủ tiêu chuẩn của luật quốc tế hay không.

Sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ theo luật quốc tế.

Một đảo lớn của Hoàng Sa, nới Trung Quốc đã ngang nhiên xây sân bay trên đảo. Nguồn: TTO

Một sự chiếm hữu lãnh thổ, muốn hợp pháp, phải hội đủ ba điều kiện: 

Một là, điều kiện liên quan đến đối tượng của sự chiếm hữu: lãnh thổ đượcchiếm

hữu phải là đất vô chủ (res nullius), hoặc là đã bị chủ từ bỏ (res derelicta).

Hai là, tác giả của sự chiếm hữu phải là một quốc gia. Chiếm hữu phải được thực hiện bởi chính quyền của quốc gia muốn chiếm hữu hoặc bởi đại diện của chính quyền chiếm hữu nhân danh quốc gia mình. Tư nhân không có quyền chiếm hữu.

Ba là, phương pháp chiếm hữu:

Phương pháp chiếm hữu đã trải qua nhiều thay đổi theo thời gian. Trước năm 1884, quyền chiếm hữu do Đức Giáo Hoàng ban cho. Từ thế kỷ VIII đến XV, Đức Giáo Hoàng chia đất giữa hai quốc gia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đến thế kỷ XVI, khi nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu tham gia vào công cuộc đi tìm đất mới, thì phương cách chia đất bởi Đức Giáo Hoàng bị chỉ trích, và người ta đặt ra một phương thức mới cho sự chiếm hữu lãnh thổ, đó là quyền khám phá. Quốc gia nào khám phá ra mảnh đất đó trước thì được chủ quyền trên đất đó. Khám phá đây có nghĩa là chỉ nhìn thấy đất thôi, không cần đặt chân lên đất đó, cũng đủ để tạo chủ quyền. Sau này, điều kiện đó được xem như không đủ, nên người ta đưa thêm một điều kiện nữa, là sự chiếm hữu tượng trưng.

Quốc gia chiếm hữu phải lưu lại trên lãnh thổ một vật gì tượng trưng cho ý chí muốn chiếm hữu của mình: cờ, bia đá, đóng cọc, hoặc bất cứ một vật gì tượng trưng cho chủ quyền của quốc gia chiếm hữu. Đến thế kỷ XVIII, người ta thấy chiếm hữu tượng trưng cũng không đủ để chứng tỏ chủ quyền của một quốc gia. Vì vậy, đến năm 1885, Định ước Berlin nhằm giải quyết vấn đề chia đất ở châu Phi, ấn định một tiêu chuẩn mới sát thực hơn cho sự chiếm hữu lãnh thổ. Đó là sự chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền trên lãnh thổ được chiếm hữu.

Ngoài ra, Định ước Berlin cũng ấn định rằng quốc gia chiếm hữu phải thông báo sự chiếm hữu của mình cho các quốc gia khác biết. Nguyên tắc chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền sau này đã trở thành tập quán quốc tế và được làm cơ sở cho sự chiếm hữu lãnh thổ vô chủ trong luật quốc tế hiện đại. Tuy nhiên, yếu tố thông báo không phải là một tập quán quốc tế, nó chỉ áp dụng riêng cho trường hợp chiếm hữu đặt trong phạm vi của Định ước Berlin mà thôi.

Ngày nay theo luật quốc tế, sự chiếm hữu lãnh thổ phải bao gồm cả hai yếu tố vật chất và tinh thần. Yếu tố vật chất được thể hiện qua việc chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền trên lãnh thổ đó. Điều này có nghĩa là quốc gia chiếm hữu phải có sự hiện diện thường trực trên lãnh thổ được chiếm hữu, và phải có những hoạt động hoặc những hành vi có tính quốc gia đối với lãnh thổ đó. Sự hành xử chủ quyền phải có tính liên tục. Còn yếu tố tinh thần có nghĩa là quốc gia phải có ý định thực sự chiếm hữu mảnh đất đó. Phải hội đủ hai yếu tố vật chất và tinh thần trên thì sự chiếm hữu mới có hiệu lực. Và sự từ bỏ lãnh thổ cũng phải hội đủ cả hai yếu tố: vật chất, tức là không hành xử chủ quyền trong một thời gian dài, và tinh thần, tức là có ý muốn từ bỏ mảnh đất đó. Phải hội đủ cả hai yếu tố: từ bỏ vật chất và từ bỏ tinh thần thì lãnh thổ đó mới được xem như bị từ bỏ, và trở lại quy chế vô chủ.

Ngoài phương pháp chiếm hữu thực sự và hành xử chủ quyền (occupationeffectivité), một quốc gia cũng có thể thụ đắc chủ quyền qua những phương pháp khác như chuyển nhượng (cession), thời hiệu (prescription), củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử (consolidation par titre historique),… Phương pháp “củng cố chủ quyền bằng danh nghĩa lịch sử” được áp dụng nếu quốc gia đã sử dụng lâu đời một lãnh thổ khác mà không có phản đối của một quốc gia nào khác.

Những tiêu chuẩn trên đã được áp dụng thường xuyên bởi án lệ quốc tế, trong những bản án về tranh chấp đảo Palmas, đảo Groenland, đảo Minquier và Ecrehous…

Chủ quyền lịch sử của Việt Nam

Phải nói rằng, vì hoàn cảnh chiến tranh, nên tài liệu lịch sử của Việt Nam đã bị tàn phá hoặc thất lạc rất nhiều. Việt Nam đã đưa ra những tài liệu lịch sử và địa lý đủ để chứng minh rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo này từ lâu, đã chiếm hữu tượng trưng cũng như thực sự và hành xử chủ quyền trên hai quần đảo qua nhiều đời vua và trải qua ít nhất là ba thế kỷ.

Khám phá ít nhất là từ thế kỷ XV, và hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVII

Bản đồ đường qua xứ Quảng Nam đời Lê, theo Thiên Nam lộ đồ vẽ lại năm 1741 (bản sao chép của Dumoutier, có chữ quốc ngữ). Bãi cát vàng trên bản đồ tức là Hoàng Sa -

Dân đánh cá Việt Nam đã sống trên những đảo này và khai thác đảo từ lâu đời. Tài liệu sớm nhất mà Việt Nam còn có được là quyển “Tuyển tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá, viết vào thế kỷ XVII. Danh từ “Tuyển tập” cho ta thấy tài liệu này được thu nhập từ nhiều tài liệu trước nữa. Trong quyển này, Đỗ Bá đã tả những quần đảo này rất chính xác, và xác nhận rằng Chúa Nguyễn đã lập Đội Hoàng Sa để khai thác quần đảo từ thế kỷ XVII. Đoạn trích do sử gia kiêm nhà Hán học Võ Long Tê dịch như sau:

“Tại làng Kim Hộ, ở hai bên bờ sông có hai ngọn núi, mỗi ngọn có mỏ vàng do nhà nước cai quản. Ngoài khơi, một quần đảo với những cồn cát dài, gọi là “Bãi Cát Vàng”, dài khoảng 400 lý, và rộng 20 lý nhô lên từ dưới đáy biển, đối diện với bờ biển từ cửa Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Vào mùa gió nồm Tây Nam, những thương thuyền từ nhiều quốc gia đi gần bờ biển thường bị đắm dạt vào những đảo này; đến mùa gió Đông Bắc, những thuyền đi ngoài khơi cũng bị đắm như thế. Tất cả những người bị đắm trôi dạt vào đảo, đều bị chết đói. Nhiều hàng hoá tích luỹ trên đảo.

Mỗi năm, vào tháng cuối của mùa đông, Chúa Nguyễn đều cho một hạm đội gồm 18 thuyền đi ra đảo để thu thập những hoá vật, đem về được một số lớn vàng, bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm, ra tới đảo mất một ngày rưỡi, nếu đi từ Sa Kỳ thì chỉ mất nửa ngày.”

Theo sử gia Võ Long Tê, mặc dù quyển sách của Đỗ Bá được viết vào thế kỷ XVII (vào năm 1686), đoạn thứ nhất của hai đoạn trên được trích từ phần thứ ba của quyển Hồng Đức Bản Đồ - Hồng Đức là tên hiệu của vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497). Như vậy, Việt Nam đã khám phá hoặc biết tới những đảo này ít ra cũng từ thế kỷ XV. Danh từ Bãi Cát Vàng chứng tỏ rằng những đảo này đã được những người Việt Nam ít học nhưng hiểu biết nhiều về biển khám phá và khai thác, từ lâu trước khi chính quyền Chúa Nguyễn tổ chức khai thác đảo. Dân Việt Nam đã sinh sống ở đó từ nhiều thế kỷ, và chính quyền nhà Nguyễn từ thế kỷ XVII đã biết tổ chức khai thác đảo có hệ thống. Những yếu tố này, nhất là sự khai thác của nhà nước từ thế kỷ XVII qua rất nhiều năm, đã tạo nên từ thời đó một chủ quyền lịch sử cho Việt Nam trên những đảo này.

Hành xử chủ quyền trong thế kỷ XVIII: Quyển Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn

Lê Quý Đôn là quan dưới thời nhà Lê, phụ trách vùng Thuận Hoá, Quảng Nam. Ông đã viết Phủ biên tạp lục vào năm 1776, tại Quảng Nam, nên đã sử dụng được rất nhiều tài liệu của chính quyền các Chúa Nguyễn để lại. Đoạn sau đây nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa:

“… Phủ Quảng Ngãi, ở ngoài cửa biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn có núi gọi là cù lao Ré, rộng hơn 30 dặm, trước có phường Tứ Chính, dân cư trồng đậu ra biển bốn canh thì đến; phía ngoài nữa, lại có đảo Đại Trường Sa, trước kia có nhiều hải vật và những hoá vật của tàu, lập đội Hoàng Sa để lấy, đi ba ngày đêm thì mới đến, là chỗ gần Bắc Hải”.

Một đoạn rất dài khác cũng trong Phủ biên tạp lục nhưng cần phải trích dẫn vì nó cung cấp nhiều chi tiết quan trọng liên quan đến cách Chúa Nguyễn tổ chức khai thác hai quần đảo một cách hệ thống:

… Phủ Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh, ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia hoặc đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy. Trên đảo có vô số yến sào; các thứ chim có hàng ngàn, hàng vạn, thấy người thì đậu vòng quanh không tránh.

Trên bãi vật lạ rất nhiều. Ốc vân thì có ốc tai voi to như chiếc chiếu, bụng có hạt to bằng đầu ngón tay, sắc đục, không như ngọc trai, cái vỏ có thể đẽo làm tấm bài được, lại có thể nung vôi xây nhà; có ốc xà cừ, để khảm đồ dùng; lại có ốc hương. Các thứ ốc đều có thể muối và nấu ăn được. Đồi mồi thì rất lớn. Có con hải ba, tục gọi là Trắng bông, giống đồi mồi nhưng nhỏ hơn, vỏ mỏng có thể khảm đồ dùng, trứng bằng đầu ngón tay cái, muối ăn được. Có hải sâm tục gọi là con đột đột, bơi lội ở bến bãi, lấy về dùng vôi sát quan, bỏ ruột phơi khô, lúc ăn thì ngâm nước cua đồng, cạo sạch đi, nấu với tôm và thịt lợn càng tốt.

Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng ba nhận giấy sai đi, mang lương đủ ăn sáu tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đấy tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Lấy được hoá vật của tầu, như là gươm ngựa, hoa bạc, tiền bạc, vòng sứ, đồ chiên, cùng là kiếm lượm vỏ đồi mồi, vỏ hải ba, hải sâm, hột ốc vân rất nhiều. Đến kỳ tháng tám thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp, cân và định hạng xong mới cho đem bán riêng các thứ ốc vân, hải ba, hải sâm, rồi lĩnh bằng trở về. Lượm được nhiều ít không nhất định, cũng có khi về người không. Tôi đã xem sổ của cai đội cũ là Thuyên Đức Hầu biên rằng: Năm Nhâm Ngọ lượm được 30 hốt bạc; năm Giáp Thân được 5.100 cân thiếc; năm Ất Dậu được 126 hốt bạc; từ năm Kỷ Sửu đến năm Quý Tỵ năm năm ấy mỗi năm chỉ được mấy tấm đồi mồi, hải ba. Cũng có năm được thiếc khôi, bát sứ và hai khẩu súng đồng mà thôi. 

Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Thứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tầu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của quý ít khi lấy được”.    

Đoạn này cho thấy việc khai thác hai quần đảo của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải kéo dài từ thế kỷ XVII sang đến cuối thế kỷ XVIII. Hoạt động của hai đội này được tổ chức có hệ thống, đều đều mỗi năm ra đảo công tác 8 tháng. Các thuỷ thủ do nhà nước tuyển dụng, hưởng bổng lộc của nhà nước, giấy phép và lệnh ra công tác do nhà nước cấp.

Các bộ sử như Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Việt địa dư chí, đều có đoạn ghi các Chúa Nguyễn tổ chức khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và cả các đảo khác nữa: Đội Thanh Châu phụ trách các đảo ngoài khơi Quy Nhơn lấy tổ chim yến, Đội Hải Môn hoạt động ở các đảo Phú Quý, Đội Hoàng Sa chuyên ra quần đảo Hoàng Sa, sau đó lại tổ chức Đội Bắc Hải thuộc đội Hoàng Sa nhưng phụ trách các đảo xa ở phía Nam trong đó có quần đảo Trường Sa, đảo Côn Lôn và các đảo nằm trong vùng vịnh Thái Lan thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đặc biệt là bộ Lịch triều hiến chương loại chí: Dư địa chí của Phan Huy Chú (1782 – 1840). Phan Huy Chú và các tác phẩm của ông được Gaspardone nghiên cứu. Bộ sử này viết vào đầu thế kỷ XIX và gồm 49 quyển nằm ở École Fransaise d’Extrême Orient.

Chính thức chiếm hữu và hành xử chủ quyền trong thế kỷ XIX

Chủ quyền được tiếp tục hành xử qua thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn (là thời đại kế vị chính quyền các Chúa Nguyễn).

Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn, Vua Gia Long, đã củng cố thêm quyền lịch sử của Việt Nam bằng cách chính thức chiếm hữu hai quần đảo. Năm 1816, Vua đã ra lệnh cho Đội Hoàng Sa và hải quân của triều đình ra thăm dò, đo thuỷ lộ, và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa để biểu tượng cho chủ quyền của Việt Nam. Đoạn sau đây của bộ Việt Nam thực lục chính biên chứng minh điều này:

“Năm Bính Tý, năm thứ 15 đời Vua Gia Long (1816)

Ra lệnh cho lực lượng hải quân và đội Hoàng Sa đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa để thanh tra và khám xét thuỷ trình.”

Sự chiếm hữu hai quần đảo theo lệnh của Vua Gia Long cũng được chứng nhận bởi các tài liệu của phương Tây.

Bài của M.A. Dubois de Jancigny viết như sau:

 “… Từ hơn 34 năm, Quần đảo Paracel, mang tên là Cát Vàng hay Hoàng Sa, là một giải đảo quanh co của nhiều đảo chìm và nổi, quả là rất đáng sợ cho các nhà hàng hải, đã do những người Nam Kỳ chiếm giữ. Chúng tôi không biết rằng họ có xây dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã quyết định giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy được rằng tự mình phải đến đấy chiếm lấy và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của Nam Kỳ”.

Một bài khác của Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi nhận điều trên:

“Nam Kỳ, mà nhà vua hiện nay là hoàng đế bao gồm bản thân xứ Nam Kỳ, xứ Bắc Kỳ, một phần của Vương quốc Campuchia, một số đảo có người ở không xa bờ biển và quần đảo Paracel gồm những bá đá ngầm, đá nổi không có người ở. Chỉ đến năm 1816 hoàng đế hiện nay mới chiếm lĩnh những đảo ấy.”

Năm 1833, vua Minh Mệnh cho đặt bia đá trên quần đảo Hoàng Sa và xây chùa. Vua cũng ra lệnh trồng cây và cột trên đảo. Bộ Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 104, viết như sau:

“Tháng tám mùa thu năm Quý Tỵ, Minh Mệnh thứ 14 (1833)… Vua bảo Bộ Công rằng: Trong hải phận Quảng Ngãi, có một dải Hoàng Sa, xa trông trời nước một mầu, không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây, thuyền buôn thường (mắc cạn) bị hại. Nay nên dự bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người dễ nhận biết ngõ hầu tránh khỏi được nạn mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời”.

Năm sau, Vua Minh Mệnh ra lệnh cho Đội Hoàng Sa ra đảo lấy kích thước để vẽ bản đồ. Quyển Đại Nam thực lục chính biên (1834), quyển thứ 122 ghi nhận điều này:

“Năm Giáp Ngọ, thứ 15, đời Minh Mệnh:

… Vua truyền lệnh cho Đội trưởng Trương Phúc Sĩ và khoảng trên 20 thuỷ thủ ra quần đảo Hoàng Sa để vẽ bản đồ…”.

Đến năm 1835 thì lệnh xây miếu, dựng bia đá được hoàn tất và được ghi nhận trong quyển Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 154:

“Tháng sáu mùa hạ năm Ất Mùi, Minh Mệnh thứ 16 (1835)… Dựng đền thờ thần (ở đảo) Hoàng Sa thuộc Quảng Ngãi. Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi, có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh um, giữa cồn cát có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc 4 chữ: “Vạn Lý Ba Bình” (1). Còn Bạch Sa chu vi 1.070 trượng, tên cũ là Phật Tự Sơn, bờ đông, tây, nam đều đá san hô thoai thoải uốn quanh mặt nước. Phía bắc, giáp với một cồn toàn đá san hô, sừng sững nổi lên, chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 3 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than Thạch. Năm ngoái vua toan dựng miếu lập bia ở chỗ ấy, nhưng vì sóng gió không làm được. Đến đây mới sai cai đội thuỷ quân Phạm Văn Nguyên đem lính và Giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách toà miếu cổ 7 trượng). Bên tả miếu dựng bia đá; phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong, rồi về”

Đoạn sau đây của cùng bộ sách, cho thấy vua nhà Nguyễn không những quan tâm đến việc khai thác đảo mà còn nhận thức được vị trí chiến lược của hai quần đảo, xem chúng như là lãnh thổ biên phòng của Việt Nam và tổ chức cả một chương trình dài hạn để củng cố biên cương đó – theo Đại Nam thực lục chính biên, quyển thứ 165:

“Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mệnh thứ 17 (1836), mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1…

Bia chủ quyền VN ở Hoàng Sa được dựng vào những năm 1930 (ảnh chụp tại phòng lữu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng) - Ảnh: V.Hùng chụp lại. Nguồn: TTO

Bộ Công tâu: Cương giới mặt biển nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu. Trước kia, đã phái vẽ bản đồ mà hình thể nó xa rộng, mới chỉ được một nơi, cũng chưa rõ ràng. Hàng năm, nên phái người đi dò xét cho khắp để thuộc đường biển. Từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, xin phái thuỷ quân và vệ Giám thành đáp một chiếc thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa, không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát nào; khi thuyền đi đến, cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, chu vi, và nước biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi, nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào đường đi, tính ước được bao nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ biển, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói rõ, đem về dâng trình”.

“Vua y lời tâu, phái suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền đi, chuẩn cho mang theo 10 cái bài gỗ, đến nơi đó dựng làm dấu ghi (mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ “Minh Mệnh thứ 17, năm Bính Thân, thuỷ quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật, vâng mệnh đi Hoàng Sa trông nom đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ”.

Sau đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ trên bản đồ của triều đình Vua Minh Mệnh. Những đoạn trên đây cho thấy chủ quyền lịch sử của Việt Nam đã tiếp tục được hành xử bởi các vua nhà Nguyễn. Đội Hoàng Sa và Bắc Hải được trao thêm nhiều nhiệm vụ: tuần tiễu, đi lấy kích thước đảo để vẽ bản đồ, thăm dò địa hải, vẽ thuỷ trình,… Những Đội này cũng có nhiệm vụ thu thuế những người tạm sống trên đảo

Hai đội Hoàng Sa và Bắc Hải hoạt động cho đến khi Pháp xâm lược Việt Nam. Ít nhất từ thế kỷ XVII (và có thể từ thế kỷ XV hoặc trước nữa), từ thời Chúa Nguyễn, trải qua các triều đại vua nhà Nguyễn, trong 3 thế kỷ,  hai đội này đã có nhiều hoạt động khai thác, quản trị và biên phòng đối với hai quần đảo. Đây là những hoạt động của nhà nước, do nhà nước tổ chức. Những hoạt động này kéo dài suốt 300 năm không có một lời phản đối của Trung Hoa thời đó. Nhà Nguyễn cũng ý thức được trách nhiệm quốc tế của mình từ thời đó và cho trồng cây trên đảo để các thuyền bè khỏi bị đắm và mắc cạn. Rõ ràng đây là những sự hành xử chủ quyền của một quốc gia trên lãnh thổ của mình.

Như vậy, chủ quyền của Việt Nam được thụ đắc qua hai phương pháp phối hợp nhau: (1) quyền lịch sử bắt nguồn từ sự sử dụng và chiếm hữu lâu đời một lãnh thổ vô chủ dưới thời các Chúa Nguyễn, thế kỷ XVII và XVIII (consolidation par titre historique), và (2) chủ quyền bắt nguồn từ sự chính thức chiếm hữu và hành xử chủ quyền một cách liên tục dưới thời các vua nhà Nguyễn, thế kỷ XIX (prise de possession, occupation et effectivité). Thực ra việc thụ đắc bằng phương pháp (1) cũng đã đủ để tạo chủ quyền cho Việt Nam, và như vậy, Việt Nam đã có chủ quyền lịch sử từ thế kỷ XVII. Quyền này lại được củng cố thêm khi các vua nhà Nguyễn chính thức chiếm hữu đảo. Đội Hoàng Sa và Bắc Hải không hiện diện thường xuyên trên đảo vì điều kiện sinh sống ở các đảo không cho phép.

Tuy nhiên, lệ án quốc tế đã mềm dẻo đối với những nơi này luật không bắt buộc phải có một sự hiện diện thường xuyên của quốc gia chiếm hữu. Trong vụ án Clipperton, Pháp chỉ cho tàu chiến thanh tra đảo, mà không đặt một cơ quan công quyền nào hiện diện thường xuyên tại đảo. Trọng tài Quốc tế đã cho rằng như vậy cũng đủ để hành xử chủ quyền, vì điều kiện ở đảo không cho phép sống thường xuyên trên đó. Trong trường hợp Việt Nam, mặc dù không ở lại đảo thường xuyên, hai Đội Hoàng Sa và Bắc Hải cũng sống ở đó 8 tháng mỗi năm đến khi gió nồm bắt đầu thổi, tức là mùa bão biển tới, họ mới trở về đất liền 4 tháng, và đến tháng giêng lại trở ra các đảo đóng ỏ đó 8 tháng và hàng năm đều như vậy. Với hoàn cảnh thời đó, thuyền của các quốc gia khác, kể cả thuyển của Trung Hoa đều sợ không dám đến đảo, trong khi Việt Nam cho quân đến đóng ở các đảo 8 tháng mỗi năm. Như vậy, đã vượt tiêu chuẩn ấn định bởi vụ án Clipperton, và quá đủ để xem như Việt Nam đã chiếm hữu hai quần đảo từ thời các Chúa Nguyễn (thế kỷ XVII).

Chủ quyền lịch sử viện dẫn bởi Trung Quốc

Trung Quốc cũng viện dẫn quyền khám phá và sự hành xử chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Quyền khám phá

Trung Quốc đã khẳng định rằng mình đã khám phá ra hai quần đảo tranh chấp từ đời nhà Hán, năm 206 trước Công nguyên. Tuy nhiên, có tác giả Trung Hoa lại xác định là những tài liệu sớm nhất ghi chép sinh hoạt của người Trung Hoa trên những đảo này, thuộc đời nhà Tống (thế kỷ XIII).

Trung Quốc đã viện dẫn nhiều đoạn trích từ sách sử địa của mình. Nhưng thực tế cho thấy các đoạn do Trung Quốc đưa ra, chỉ tả hai quần đảo như những gì nằm trong lộ trình đi ngang Biển Đông mà thôi. Ngoài ra, các đoạn được viện dẫn trước thế kỷ XIII cũng không nói đến đảo nào, mà chỉ nói đến biển Nam Hải. Những đoạn sách viết từ thế kỷ XIII mới bắt đầu nêu tên đảo, nhưng không có đoạn nào nói tới Xisha và Nansha. Nhiều điểm từ những đoạn được nêu ra, còn cho thấy rõ ràng Wanlishitang (Vạn Lý Thạch Sành) mà Trung Quốc nói là Nansha thực tế không phải là Nansha mà là đảo khác.

Không có một quyển sách sử nào nói đến hai cái tên Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), và không có một quyển sách nào nói đến chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này.

Những sách sử địa của Trung Quốc nhắc đến rất nhiều tên, nào là Qianli Chang sha, Wanlishitang, Quianlishitang, Jiuruluozhou, Qizhouyang, Zizhousan. Và bây giờ Trung Quốc nói rằng tất cả những tên đó đều ám chỉ Xisha và Nansha. Vì vậy, muốn xét đến những chứng cớ lịch sử này, thiết tưởng cần phải có những chuyên viên để nghiên cứu tại chỗ và khẳng định các tên này có đúng là Xisha và Nansha mà Trung Quốc nói tới hay không.

Hành xử chủ quyền

Những dữ kiện mà Trung Quốc và các tác giả Trung Hoa đưa ra để chứng minh mình hành xử chủ quyền trên hai quần đảo gồm có: những cuộc thanh tra, những cuộc viễn chinh, và những di vật đào bới được từ các đảo.

Thanh tra và viễn chinh

Phần lớn những bài viết về thanh tra và viễn chinh là sự khẳng định nhưng không có đoạn sử nào được viện dẫn để chứng minh điều này.

*Trước nhà Nguyên

Đoạn sau đây được trích, không phải từ sách sử nào cả, mà từ kết luận của một viên chức chính quyền Trung Quốc, giáo sư Wang Hengjie thuộc Trung tâm chuyên về các sắc tộc thiểu số, vào năm 1991, dựa trên những di tích được đào bới trên đảo Xisha để kết luận rằng nhà Chu đã có những cuộc viễn chinh trên quần đảo này:

“Chính quyền nhà Chu thuộc thời Xuân Thu không những chinh phục những “dân man rợ” ở phía Nam, mà cũng tổ chức những cuộc viễn chinh trên những đảo của biển Nam Hải để chiếm làm đất Trung Hoa…”.

Đây chỉ là một kết luận của một viên chức nhà nước vào năm 1991, chứ không phải từ sách sử khách quan. Nếu đã có những cuộc viễn chinh, và những hoạt động khác thì tại sao lại không được ghi trong sách sử của Trung Hoa – tương đương với những ghi chú trong sách sử của Việt Nam? Trung Hoa vẫn tự hào là xứ văn minh và các dân tộc khác là “man di” mà tại sao không biết ghi những hoạt động của nhà nước vào sách sử của mình, nếu những hoạt động đó có thực?

Tác giả Shen viết rằng trong quyển Hậu Hán thư có ghi: Chen Mao được bổ nhiệm làm quan Thái thú ở tỉnh Giao Chỉ (Jiaozchi) đã có những cuộc tuần tiễu và “thám thính trên (các đảo của) biển Nam Hải”. Và ông ta đã ghi trong dấu ngoặc chữ viết bằng tiếng Trung là “xing bu Zhanghai.

Đoạn này cho thấy không có chỗ nào nói đến Xisha và Nansha cả. Hơn nữa, chữ “đảo” là do tác giả thêm vào trong dấu ngoặc, chứ bản viết tiếng Trung mà ông ta chêm trong ngoặc kép (xing bu Zhanghai) không có chữ “đảo”, mà chỉ là thám thính Zhanghai, tức là Nam Hải, mà thôi.

Tác giả Shen cũng viết rằng quyển Nam châu dị vật chí (Nanzhou Yiwu Zhi) kể những thuỷ thủ nhà Hán đi viễn chinh từ bán đảo Malaixia trở về Trung Hoa. Rồi ông trích câu trong Nam châu dị vật chí: “đi thuyền về phía Đông Bắc, người ta gặp rất nhiều đảo nhỏ, đá ngầm, bãi cát ngầm, trở nên rõ rệt tại biển Nam Hải, nơi đây nước cạn và có nhiều đá nam châm”. Như vậy, trong Nam Châu dị vật chí không có chỗ nào nói đến viễn chinh trên đảo Xisha và Nansha, hoặc tuần hành quanh đảo này, mà chỉ nói chung chung là họ đi thuyền qua Biển Đông mà thôi, hoặc viễn chinh tại các vùng như Malaxia, Bornéo.

Chỗ khác, tác giả Shen viết là chính quyền địa phương dưới triều đại nhà Tấn đã hành xử chủ quyền trên đảo Xisha và Nansha bằng cách gửi tàu đi tuần tiễu trên vùng biển quanh đó. Để chứng minh điều này, tác giả viện dẫn quyển Quảng Đông tổng chí (General Record of Quangdong) do Hao Yu-lin viết, có ghi là quan phụ trách những vấn đề biển Nam Hải thời đó, có đi tuần tiễu và thám thính tại biển Nam Hải (xing bu ru hai). Ở đây cũng như trên, tác giả Shen không trích thẳng đoạn nào trong quyển Quảng Đông tổng chí ghi lại sự kiện trên, nên chúng ta không biết chính thức đoạn đó viết như thế nào.

Không có một quyển sách sử nào nói đến hai cái tên Xisha (Tây Sa) và Nansha (Nam Sa), và không có một quyển sách nào nói đến chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo này. Những sách sử địa của Trung Quốc nhắc đến rất nhiều tên, nào là Qianli Chang sha, Wanlishitang, Quianlishitang, Jiuruluozhou, Qizhouyang, Zizhousan. Và bây giờ Trung Quốc nói rằng tất cả những tên đó đều ám chỉ Xisha và Nansha. Vì vậy, muốn xét đến những chứng cớ lịch sử này, thiết tưởng cần phải có những chuyên viên để nghiên cứu tại chỗ và khẳng định các tên này có đúng là Xisha và Nansha mà Trung Quốc nói tới hay không.

Chỉ 4 chữ tiếng Trung được ghi trong dấu ngoặc là “xing bu ru hai”. Nếu đây là nguyên văn trong sách sử, thì nó chỉ nói đến thám thính trên biển Nam Hải (nếu thật tình là biển Nam Hải, vì chúng ta không biết đây có phải là biển Nam Hải không hay là biển khác).

Quân đồn trú Pháp - Việt chào cờ trên đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp tại phòng lưu trữ tư liệu Hoàng Sa, Đà Nẵng - Ảnh: V.Hùng chụp lại. Nguồn: Tuổi Trẻ

Dù sự kiện đi tuần tiễu thám thính có thật đi chăng nữa thì nó chỉ tổng quát tại biển mà Trung Quốc nói là biển Nam Hải, chứ không nói là tuần tiễu quanh hai đảo Xisha và Nansha. Mà nếu sự thật là biển Nam Hải, thì nó rộng mênh mông làm sao mà biết được họ có tuần tiễu quanh hai quần đảo Xisha và Nansha hay không. Và nếu có, có phải là tuần tiễu để thanh tra đảo với tư cách là chủ của đảo hay chỉ là tuần tiễu vùng biển nói chung? Nguyên văn quyển sách mà tác giả Shen nói có thực sự viết đó là những cuộc tuần tiễu hay chỉ là đi thuyền ngang qua đó mà thôi?

Chỗ khác, tác giả Shen khẳng định là hai đảo được đặt dưới quyền quản trị của huyện Qiongzhou (là Hải Nam bây giờ), nhưng không viện dẫn chứng cớ lịch sử nào cả, mà footnote chỉ ghi là tài liệu của một cơ quan chính quyền của Trung Quốc năm 1992. Vả lại, nếu Trung Hoa thời đó có sáp nhập hai quần đảo và đảo Hải Nam đi nữa, thì sự sáp nhập không cũng không đủ để tạo nên chủ quyền theo tiêu chuẩn của luật quốc tế.

Trung Quốc cũng cho rằng những di vật tìm thấy trên các đảo chứng minh rằng dân Trung Hoa đã sống ở đó. Những di tích lịch sử đào được trên đảo Xisha như bình, đồ gốm, và các di vật khác từ những năm 420 cho đến thời nhà Thanh, cho thấy từ thế kỷ thứ V, dân Trung Hoa đã sinh sống làm ăn trên các đảo vùng biển Nam Hải. Từ đó Trung Quốc lập luận rằng vì dân Trung Quốc sinh sống ở đó, nên Trung Quốc có chủ quyền.

Tuy nhiên, luật quốc tế không chấp nhận chủ quyền trên một lãnh thổ được thụ đắc vì có dân sống trên đảo. Trên đảo có rất nhiều loại dân sinh sống tuỳ theo mùa, kể cả dân Việt Nam chứ không phải chỉ có dân Trung Hoa và tư nhân không có quyền chiếm hữu lãnh thổ.

* Từ thời nhà Nguyên đến nay

Trung Quốc viện dẫn rằng Trung Quốc gửi một nhà chiêm tinh học đến đảo để tham quan và lấy kích thước đảo.

-    Những cuộc viễn chinh được viện dẫn cho thời kỳ này thực ra là viễn chinh đến những vùng khác như vùng Java chứ không phải tại Xisha hoặc Nansha.

-    Đoạn được viện dẫn để chứng minh cho những cuộc tuần tiễu và viễn chinh trên đảo Xisha và Nansha, trích từ quyển Nguyên Sử (Yuan Shi) như sau:

    “… thuyền đi qua Qizhou Yang và Wanlishitang, ngang Jiaozhi (Giao Chỉ) và Zhangcheng (Quy Nhơn),… họ đổ bộ lên những đảo như Hundun Dayang, đảo Ganlan, Jialimada, và Julan, họ đóng ở đó và chặt cây để làm những thuyền nhỏ…”

Tác giả giải thích Qizhou Yang và Wanlishitang là Xisha và Nansha, còn Jialimada là Bornéo hiện nay. Tuy nhiên, điểm này mâu thuẫn với đoạn trích trong quyển Hải Lục:

          “Vạn Lý Trường Sa nằm ở Đông Nam của Vạn Lý Thạch Đường”.

Dựa vào câu trích dẫn trên trong quyển Hải Lục, nếu chấp nhận hai cái tên này ám chỉ Nansha và Xisha, thì Vạn Lý Trường Sa phải là Nansha, còn Vạn Lý Thạch Đường phải là Xisha. Thế nhưng, quyển Nguyên Sử nói trên thì lại được diễn giải Vạn Lý Thạch Đường (Wanlishitang) tức là Nansha, và Qizhou Yang tức là Xisha. Rút cuộc người đọc không biết đâu là Nansha, đâu là Xisha nữa. Nếu ráp hai câu trích dẫn trên với câu trong quyển Chu Phan Chí đã được nêu ở đoạn trên: “Phía Đông Hải Nam là Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường”, thì Vạn Lý Thạch Đường có thể là Macclesfield Bank. Tác giả Marwyn Samuels cũng khẳng định như vậy (xem sách của Marwyn Samuels, tr. 18 và 19, Reference Note 31).

Một điểm khác có thể chứng minh Wanlishitang thực ra là Macclesfield Bank là câu trích trên của quyển Nguyên Sử: “… thuyền đi qua Qizhou Yang và Wanlishitang, ngang Jiaozhi (Giao Chỉ) và Zhangcheng (Quy Nhơn),…”. Nếu theo thứ tự trước sau trong lộ trình thì Wanlishitang không thể là Nansha, mà là Macclesfield Bank vì thuyền không thể đi ngang Nansha trước khi đi ngang qua Giao Chỉ được. Hơn nữa, đoạn này cho thấy thuyền chỉ đi qua Quizhou Yang và Wanlishitang, chứ không có chỗ nào nói là tuần tiễu trên hai đảo Xisha và Nansha (nếu chấp nhận Qizhou Yang và Wanlishitang là Xisha và Nansha).

Một đoạn khác được viện dẫn từ quyển Đảo Di Chí Lược (Abridged Records of Islands and Barbarians) của Wang DaYuan mà tác giả giới thiệu là một nhà hàng hải nổi tiếng thời Nguyên:

“Gốc của Shitang bắt nguồn từ Chaozhou. Nó ngoằn ngoèo như một con rắn dài nằm trên biển, vắt ngang biển tới gần nhiều nước; nó được gọi theo lối bình dân là: Wanlishitang. Theo sự ước đoán của tôi, nó dưới 10.000 lý… Ta có thể nhận định được những nhánh của nó. Một nhánh vươn tới vùng Java, một nhánh Boni và Gulidimen, và một nhánh vươn tới phía tây của biển về phía Kunlun… Muốn an toàn thì nên tránh nó, vì đến gần rất nguy hiểm.”

Trường Sa và Hoàng Sa mãi mãi là lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam. Ảnh: Phạm Tuấn

Cả đoạn này cũng thế, không thấy nói là quân của Trung Hoa đi tuần tiễu quanh đảo hoặc đi viễn chinh đổ bộ lên đảo. Ngược lại, quần đảo được tả như là một con quái vật, có phần ghê gớm và đáng sợ, đáng tránh xa là đằng khác. Nếu tả một lãnh thổ mà mình xem như sở hữu của mình thì không bao giờ văn lại xa lạ như vậy cả.

Trung Quốc cũng lập luận rằng dưới thời Minh, thế kỷ XV, nhà thám hiểm Cheng Ho (Trịnh Hoà) đã đi xuyên Biển Đông 7 lần, và khi trở về đã đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ.

Tuy nhiên, những chuyến đi này hoàn toàn không hề có sự chiếm hữu hai quần đảo nói trên. Những chuyến đi này không phải là viễn chinh để chiếm hữu đất mà nhằm thám hiểm biển để biết địa hải, tìm mối giao thương, và phô trương lực lượng với các quốc gia trong vùng, chư hầu của Trung Hoa.

Tác giả Samuels kết luận rằng ngay trong thời ấy các đảo vẫn không được Trung Hoa chú ý tới.

Để kết luận cho đoạn “chủ quyền lịch sử của Trung Quốc”, chúng ta có thể nói rằng những đoạn viết trước thế kỷ XIII chỉ chứng minh được việc các thuyền của Trung Hoa có đi lại trên biển Nam Hải. Những tại liệu này không nói đến một tên đảo nào trong hai quần đảo cả. Những tài liệu đầu tiên nêu tên đảo là những tài liệu cuối đời nhà Nguyên và dưới đời nhà Tống (thế kỷ XIII). Tuy nhiên những tài liệu này nêu tên Thiên Lý Trường Sa và Vạn Lý Thạch Đường – không biết có phải là Xisha và Nansha hay không, nhất là Vạn Lý Thạch Đường – được tả nằm ở phía đông đảo Hải Nam, thì chắc chắn không phải là Nansha, mà có thể là Macclesfield Bank. Dù sao, những tài liệu này cũng chỉ chứng minh các thuyền của Trung Hoa có đi ngang và tình cờ thấy các đảo này trên lộ trình xuyên Biển Đông. Không có chữ nào cho thấy rằng Trung Hoa đã cho tàu đi tuần tiễu quanh các đảo đó với tư cách là chủ của đảo, để bảo vệ đảo, như là biên giới của mình. Cũng không có câu nào chứng minh rằng Trung Hoa đã tổ chức những cuộc viễn chinh trên hai quần đảo Xisha và Nansha, mà chỉ nói đến đi trấn an Giao Chỉ, viễn chinh ở Malaixia, Bornéo, Java.

Theo luật quốc tế cổ điển thì chỉ nhìn thấy đảo không cần đổ bộ lên là được chủ quyền trên quyền khám phá. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này áp dụng cho các quốc gia phương Tây ngày xưa ra đi để khám phá, để tìm đất mới. Còn Trung Quốc chỉ đi ngang, tình cờ thấy, sau đó không hề chiếm hữu, không hề xem đảo như là của mình, để rồi mấy thế kỷ sau, khi quốc gia khác chiếm, mới cho rằng mình đã khám phá. Trường hợp như vậy cũng phải đặt câu hỏi là chỉ tình cờ trông thấy, không hề có ý định chiếm đất thì có thực sự là quyền khám phá theo nghĩa pháp lý hay không? Có thể nại quyền khám phá hay không khi thiếu yếu tố tinh thần là ý chí muốn tìm thấy đất mới và xem nó thuộc quyền sở hữu của mỉnh? Trường hợp Trung Hoa là “biết” chứ không phải khám phá.

Đặt giả thuyết là Trung Hoa có quyền khám phá, thì quyền khám phá này mới là quyền ban đầu, quyền phôi thai (inchoate title), bởi vì sau đó Trung Hoa không hề chiếm hữu đảo, dù là chiếm hữu tượng trưng, không hề đổ bộ lên đảo, và không hề hành xử chủ quyền. Nói chung là không hề xem đảo như là của mình. Toà án quốc tế đã phán quyết nhiều lần rằng quyền khám phá phải được hoàn tất bởi sự chiếm hữu, trong một thời gian tương đối, thì mới có hiệu lực.

Giáo sư Marwyn Samuels đã phân tích thái độ của Trung Hoa thời đó. Ông cho rằng chính sách của Trung Hoa cuối thời nhà Minh và thời nhà Thanh, không quan tâm đến vùng biển ngoài khơi mà chỉ chú tâm đến việc trấn giữ biên cương nội địa, vùng SinKiang (Tân Cương), Mông Cổ và biên giới phía bắc, nên lực lượng hải quân rất kém. Dưới thời nhà Nguyên, là thời lực lượng hải quân hùng mạnh (thế kỷ XIV), Trung Hoa cũng vẫn không quan tâm đến những đảo ngoài khơi biển Đông, và không có ý định chiếm hữu chúng. Ngược lại, các thuyền bè còn sợ chúng và tránh không dám đến gần vì sợ đá ngầm và nước cạn đã từng làm đắm bao nhiêu tàu của các nước khác. Các thuỷ thủ Trung Hoa thời đó đã có câu tục ngữ truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác: “Trên đường đi ra thì sợ Thất Châu (tức là Thất Châu Dương mà Trung Quốc bây giờ cho là Xisha), trên đường đi về thì hãi Côn Lôn.”

Với tâm lý thời đó như vậy làm sao Trung Hoa có thể xem đảo như sở hữu chủ nhằm viễn chinh và tuần tiễu quanh đảo nhằm bảo vệ đảo được? Điều này được kiểm chứng bởi những thái độ im lặng không phản đối sự hành xử chủ quyền của Việt Nam, mặc dù Trung Hoa biết đến những hoạt động của Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải. Nó cũng được kiểm chứng bởi vụ đắm tàu La Bellona và Imeji Maru (xem mục I của bài này). Tất cả những dữ kiện trên cho thấy Trung Hoa không những không hành xử chủ quyền, không xem những quần đảo như của Trung Hoa, mà lại còn minh thị và mặc thị công nhận chủ quyền của Việt Nam.

  • Từ Đặng Minh Thu ( Tiến sỹ luật, Đại học Sorbonne - Pháp)

Phần 2: Sự lầm lẫn quanh Hiệp ước Pháp - Thanh 1887

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,