221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
994958
Theo chân kiểm tra công vụ: Gian nan vào "cửa quan"
1
Article
null
Theo chân kiểm tra công vụ: Gian nan vào 'cửa quan'
,

(VietNamNet) - Hiếm nụ cười từ cán bộ phường khi tiếp dân cũng như từ đoàn kiểm tra của thành phố. Có lẽ, đó là kết quả ngoài mong đợi của đợt kiểm tra đột xuất do Sở Tư pháp cùng Sở Nội vụ Hà Nội tiến hành, sau hơn 3 tháng thực hiện Nghị định 79 về chứng thực bản sao, tại 7 phường thuộc 3 quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Cầu Giấy.

Mỗi phường một kiểu vi phạm

Mới 9h15’ sáng. Nắng thu tràn ngập trụ sở khang trang của UBND phường Yên Hòa. Bà Lê Thị Kim, hưu trí, khấp khởi bước vào phòng tiếp nhận thủ tục hành chính để làm chứng thực vài bản sao bằng tốt nghiệp đại học cho người cháu muốn đi xin việc. Thấy chỉ có vài người ngồi chờ, bà đinh ninh việc của mình sẽ nhanh chóng làm xong.

Thông báo lúc 9h15 sáng ở phường Yên Hòa. Ảnh: VA

Nhưng đập vào mắt bà là 2 tờ thông báo dán trên cánh cửa và tấm kính ngăn, trước bàn làm việc của cô cán bộ tư pháp: Hết giờ nhận hồ sơ. Cố vớt vát, bà hỏi: "Cô cho tôi nộp hồ sơ làm chứng thực với". "Hết giờ rồi, bác thông cảm cho chúng cháu, giờ này phường chỉ nhận các loại hồ sơ khác, chứ hồ sơ chứng thực nếu có nhận cũng không giải quyết được", cô cán bộ trả lời một cách nhã nhặn. "Bác có thể sang phường khác làm ạ". "Nhưng tôi sống ở phường này, lại đang vội". Thất vọng, bực bội, bà Kim đành quay về.

Vậy là, địa điểm khởi đầu cho buổi kiểm tra đột xuất thứ 3 do Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Phạm Thanh Cao và chuyên viên phòng CCHC, Sở Nội vụ Lưu Tiến Minh dẫn đầu không được suôn sẻ. Đây cũng là phường đầu tiên thuộc quận Cầu Giấy mà 2 ông đến, một quận vốn có ít vướng mắc kể từ khi thực hiện Nghị định 79.

"Tôi chưa thấy phường nào dán một cách "hoành tráng" thông báo nhận hồ sơ từ 8h - 10h, trả từ 15h - 16h cả. Đề nghị phường tháo dỡ ngay. Nghị định 79 quy định rồi, tiếp nhận hồ sơ đến hết giờ làm việc, trả ngay trong ngày", ông Cao yêu cầu lãnh đạo phường ngay sau đó.

Rời Yên Hòa, đoàn kiểm tra bước vào trụ sở phường Nghĩa Tân, nơi mà ông Cao cho biết là có nhiều thành tích trong công tác tư pháp. Chẳng ngờ, chưa đến 11h mà đoàn đã bị ông bảo vệ thông báo ngay từ cửa: "Hết giờ rồi !".

Quả nhiên, bước vào trong, lịch trực của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả chứng thực bản sao ghi rõ: "Các buổi sáng từ thứ 2 đến thứ 6, tiếp nhận hồ sơ theo phiếu đăng ký".

"Vì sao các đồng chí không làm việc vào buổi chiều?", ông Minh hỏi Chủ tịch và Phó Chủ tịch phường. Câu trả lời là: Quy định giờ giấc như thế này mới chỉ có từ một tháng nay, khi cán bộ tư pháp duy nhất của phường nghỉ thai sản!

Có lẽ, do đoàn đã thông báo cho các quận nhưng không nói rõ sẽ đi phường nào nên hiệu quả của đợt kiểm tra thật rõ ràng. Chỉ cần vài phút đóng vai "phó thường dân", đoàn đã có thể chứng kiến mọi yếu kém trong khâu tổ chức và cán bộ của cấp cơ sở. Ở phường Cửa Đông, toàn bộ lãnh đạo và cán bộ tư pháp đều vắng mặt vào một buổi sáng do có việc hiếu, để lại duy nhất một cô cán bộ dân số ngồi phát lương hưu cho công dân, túi tiền to để trên bàn vô cùng hớ hênh.

Còn ở phường Chương Dương, cô cán bộ tư pháp tên Hòa thản nhiên nêu lý do "bị stress do công việc quá tải" để biện minh cho thái độ trịnh thượng của mình khi tiếp dân.

"Chúng ta gần dân hay xa dân?"

"Quá tải" chính là 2 từ được lãnh đạo tất cả các phường nói đến khi bị đoàn kiểm tra của thành phố chỉ rõ vi phạm. "Mẫu số chung" được đưa ra: Dân số đông, công việc lại nhiều, nhất là kể từ khi đảm nhiệm chứng thực, vốn là việc của các phòng công chứng, cán bộ thường xuyên phải làm ngoài giờ, bồi dưỡng lại không có hoặc rất ít...

Thế nhưng, quy định chung, phường nào có dân số trên 1 vạn người thì được 2 biên chế cho cán bộ tư pháp, lại không được tuân thủ. Các phường "có vấn đề" đều chỉ có 1 cán bộ tư pháp, đảm nhiệm hơn chục đầu việc, ngoài chuyện chứng thực, còn phải xử lý hồ sơ khai sinh, khai tử, thi hành án dân sự, hòa giải v.v...

Các phường nói, họ đều đã đề nghị lên quận cho thêm 1 biên chế. "Công tác cán bộ là do quận chỉ đạo, phường không thể tự ý lấy thêm người", Chủ tịch phường Nghĩa Tân cho biết.

Thế nhưng, ông Phạm Thanh Cao lại cho rằng: "Thành phố biết rõ các phường có quá tải hay không và quá tải ở đâu. Thực chất là do bố trí cán bộ thiếu khoa học, chứ kêu thiếu cán bộ là không đúng. Toàn TP Hà Nội, mới chỉ có 50/232 xã, phường có 2 cán bộ tư pháp. Vậy định biên đi đâu? Thiếu người thì phải bổ sung theo đúng quy định, nếu vẫn thiếu thì tuyển người làm theo chế độ hợp đồng, chuyện này phường hoàn toàn có thể chủ động".

"Tôi thấy vào "cửa quan" thế nào mà khó quá. Chúng ta gần dân hay xa dân đây? Nghị định 79 ra đời cốt là để chính quyền gần dân hơn chứ không phải làm lãnh đạo dân đâu".

Điểm sáng Hai Bà Trưng: Mục đích cao nhất là phục vụ dân

Quả thực, chuyện quá tải không phải là chuyện của riêng phường nào trong nội thành Hà Nội. Nhưng đến 2 phường Bách Khoa và Nguyễn Du của quận Hai Bà Trưng, mọi khúc mắc đều được giải tỏa.

Phường Bách Khoa: Chủ tịch phường ngồi cùng bàn với cán bộ tư pháp để chứng thực nhanh chóng hồ sơ của công
dân. Ảnh: VA

Mỗi người dân đến làm chứng thực bản sao đều cảm thấy hài lòng, bởi không phải chờ đợi lâu. Cán bộ 1 cửa nhận hồ sơ, chuyển ngay sang cho cán bộ tư pháp ngồi bên thẩm định và đóng dấu. Tiếp theo, hồ sơ được chuyển cho người ký là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ngồi ngay cùng phòng.

Theo ông Bùi Quang Vinh, Chủ tịch phường Nguyễn Du, quy trình ngắn gọn và đơn giản ấy được thống nhất trong toàn bộ 20 phường của quận. "Mỗi phường có một sáng kiến, một mô hình phù hợp, với mục đích cao nhất là phục vụ dân. Hàng tháng, chúng tôi đều rút kinh nghiệm, sau khi nắm bắt ý kiến góp ý của nhân dân".

"Bộ phận tiếp dân là "xương sống", là bộ mặt của phường. Chúng tôi lựa chọn kỹ cán bộ tiếp dân, ngoài trình độ chuyên môn, đó phải là người nhẹ nhàng, nền nã, kiên nhẫn, có năng khiếu giao tiếp. Làm theo đúng quy trình, tôi nghĩ là không khó, nhưng nhiều khi phải linh hoạt", ông Vinh giải thích với đoàn kiểm tra "bí quyết" thành công của phường.

Hơn thế, bản thân lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cũng thường xuyên quan tâm chỉ đạo sâu sát các phường. Đây là quận duy nhất mà tất cả các phường đều có đủ 2 cán bộ tư pháp. Một phần mềm tin học riêng đã được thiết kế và ứng dụng để phục vụ công tác hành chính trong nội bộ quận.

Chẳng phải ngẫu nhiên khi nhiều người dân Thủ đô đánh giá TP thực hiện cải cách hành chính còn "chậm chạp, ì ạch, cán bộ, công chức làm việc không phải do dân, vì dân", như trong báo cáo mới đây của Đoàn đại biểu QH Hà Nội.

Sự chậm chạp, ì ạch ấy sẽ không còn, TP sẽ không phải kiểm tra đột xuất nữa khi những điểm sáng như Hai Bà Trưng được nhân rộng.

  • Vân Anh
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,