221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
941890
Cần người giám sát việc thực thi trách nhiệm người đứng đầu
1
Article
null
Cần người giám sát việc thực thi trách nhiệm người đứng đầu
,

(VietNamNet)- Phó chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Quốc Thuận cho rằng các văn bản pháp quy có quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn người đứng đầu khá đầy đủ, chặt chẽ nhưng khi xảy ra sai sót, tiêu cực, đi tìm trách nhiệm người đứng đầu lại rất khó. Ông cho rằng, bất cập này bắt nguồn từ việc không có ai thực thi, giám sát. 

Ông Trần Quốc Thuận (Ảnh: C.M)
Ông Trần Quốc Thuận (Ảnh: C.M)

Thưa ông, Chính phủ hiện đang lấy ý kiến nhân dân về dự thảo nghị định quy định chế độ trách nhiệm cá nhân đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ. Ý kiến của ông thế nào về trách nhiệm này, lâu nay?

- Thực tế hiện nay, chúng ta vẫn kêu gọi trách nhiệm người đứng đầu, nhưng vẫn chỉ là kêu gọi chung chung, bởi chưa qui định cụ thể, rõ ràng người đứng đầu được làm gì (thực quyền)... Vì thế nhiều khi người đứng đầu rất khó xử lý các vụ việc xảy ra tại cơ quan của mình, và cấp trên cũng không thể xử lý trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu

Tôi ví dụ, lâu nay chúng ta cứ kêu gọi cải cách hành chính, tăng lương cho đội ngũ cán bộ công chức hành chính nhà nước để phục vụ dân tốt hơn. Nhưng nói chuyện tăng lương làm sao có thể tăng được tất cả ngay trong chốc lát, khi bộ máy đội ngũ cán bộ công chức hành chính càng ngày càng phình ra chưa tiến hành cải cách hành chính triệt để, sắp xếp bộ máy gọn gàng.

Ngược lại người hưởng lương từ ngân sách nhà nước ngày càng lớn, các tổ chức xã hội ngày càng trở thành cơ quan hành chính nhà nước, trong khi phần tăng thu ngân sách lại không có bước nhẩy vọt? Từ câu chuyện tăng điều chỉnh lương, cho thấy ngay cả chuyện phân công trách nhiệm người đứng đầu, cấp trên cấp dưới hiện nay cũng vậy, trách nhiệm quyền hạn cấp trưởng cấp phó chưa rõ ràng. Và khi sự vụ xảy ra, phân xử trách nhiệm đến đâu rất khó khăn.

Theo ông tại sao xảy ra tình trạng người đứng đầu các bộ, ngành trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội (QH), luôn sẵn sàng xin lỗi, hứa sẽ khắc phục những tồn tại của bộ, ngành mình phụ trách. Để rồi kỳ họp sau các đại biểu QH vẫn phải chất vấn lại chính vấn đề đó?

- Chuyện này cần nhìn và phân tích ở góc độ thực trạng của hệ thống chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước: Tại sao họ hứa, nhưng chậm thực hiện, vướng ở đâu? Có phải do cơ chế đã buộc họ luôn “hứa” trước diễn đàn QH, nhưng khi  về chỉ đạo các cục, vụ chức năng của ngành mình rà soát vấn đề, mới thấy rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, QH cũng thiếu chế tài cụ thể, bắt buộc vị bộ trưởng đó phải thực hiện trong vòng bao nhiêu lâu, công khai trên báo chí, mạng điện tử như thế nào...mà cũng chỉ ghi nhận là vị bộ trưởng ấy đã hứa.

Các văn bản pháp qui của ta tuy có qui định chức năng nhiệm vụ quyền hạn người đứng đầu khá đầy đủ, chặt chẽ...nhưng khi xảy ra chuyện sai sót tiêu cực nào đó, đi tìm trách nhiệm người đứng đầu lại rất khó. Qui định như vậy, nhưng ai là người thực thi, giám sát quyền hạn trách nhiệm người thực thi giám sát…thì cuối cùng không ai thực thi và giám sát cả, đó là bất cập trong nhiều qui định, quyết định hiện nay... Rõ ràng ai cũng thấy, ai cũng biết, ai cũng bức xúc trước những tiêu cực tham nhũng, tuy nhiên khi kêu gọi mạnh dạn đấu tranh chống tiêu cực và các hành vi, vi phạm pháp luật ngay tại cơ quan mình, lại rất khó.

Dự thảo nghị định ghi: Thủ trưởng phải thông qua cấp uỷ khi quyết định các vấn đề có tính nguyên tắc. Liệu đây có phải là điểm "gút mắc" trong việc qui trách nhiệm thuộc về ai không thưa ông?

- Đúng là lâu nay, chúng ta vẫn qui định mọi chuyện thủ trưởng phải đưa ra tổ chức, cấp uỷ bàn bạc, quyết định công khai minh bạch. Chủ trương đó là đúng, nhưng tôi nghĩ nhiều khi cũng vướng, bởi thiếu sự chủ động trong công việc, đặc biệt trong quyết định những vấn đề hệ trọng của một cơ quan, đơn vị, đó là chưa kể có khi đưa ra bàn bạc ở cấp uỷ chỉ là hình thức.

Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An mới đây đã đề nghị khi trình nhân sự cấp cao tại kỳ họp thứ nhất QH khoá XII tới, thì Thủ tướng - Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ phải được chọn  nội các của mình. Thay cho việc từ trước đến nay, nhân sự cấp cao đều do Ban tổ chức TƯ trình Bộ Chính trị xin ý kiến. Tôi nghĩ, ý kiến đề xuất của nguyên Chủ tịch QH rất hay, làm được như vậy, người đứng đầu Chính phủ, mới được toàn quyền chọn cấp giúp việc của mình, và tự chịu trách nhiệm cao nhất trong công tác điều hành...

Có ý kiến cho rằng nhân sự của QH do Bí thư Đảng đoàn QH chọn? Tôi cho đây là một việc khác, cơ chế hoạt động của QH hoàn toàn khác hoạt động của Chính phủ, cơ quan hành chính nhà nước khác. Vì cơ quan nhà nước hoạt động theo chế độ thủ trưởng, còn QH thì hoạt động theo chế độ Nghị viện - đó là tranh luận rồi quyết định theo đa số. Nếu nhân sự do Chủ tịch QH chọn, sẽ dẫn đến hành chính hoá QH, đó là điều nên tránh.

Hành lang dân chủ cơ sở đã có nhưng khó thực  hiện?

Vẫn theo như dự thảo, trách nhiệm người đứng đầu phải khuyến khích việc thực hiện qui chế dân chủ trong cơ quan, giải quyết khiếu nại tố cáo trong phạm vi, thẩm quyền theo đúng qui định của pháp luật. Trên thực tế, nguyên tắc cấp dưới phải phục tùng cấp trên, trên bảo dưới phải nghe. Như vậy, phát huy tính dân chủ trong việc giám sát, phát hiện cấp trên có làm sai hay không rất khó? 

- Đúng vậy. Tôi có một người bạn được phân công soạn thảo qui chế dân chủ ở cơ quan. Anh ta tổ chức họp cơ quan, lấy ý kiến rất rộng rãi của từng cá nhân qui định 5,6 hình thức công khai về mọi chế độ, chính sách tuyển dụng, tăng lương đề bạt, mua sắm xây dựng…Chế độ giám sát thực thi nhiệm vụ giữa cấp trên và cấp dưới, giữa thủ trưởng và nhân viên, tất cả đều đồng lòng góp ý hoàn thiện bản qui chế này. Nhưng 2 năm sau đó, cũng chẳng thấy đơn thư góp ý, tố cáo sai phạm của bất kỳ nhân viên nào cả.

Hành lang dân chủ ở cơ sở có, nhưng thực hiện là cả một vấn đề. Tâm lý chung là thoả hiệp, việc cơ quan mình, không nên làm ầm ỹ làm gì, nhưng khi có vụ việc xảy ra, thì đương nhiên thủ trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính. Tôi thấy dự thảo Nghị định trao khá nhiều quyền cho cấp trưởng, nhưng tôi cũng e là cấp trưởng cũng không thể quán xuyến đến được tất cả, bởi nhiều đầu việc, và chung chung quá.

Nhưng điều quan trọng là không thấy điều nào qui định khen thưởng, đề bạt khi thủ trưởng cơ quan đứng ra đấu tranh chống tham nhũng. Ngược lại, khi xảy ra tham nhũng thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm. Còn nếu không phát hiện ra tham nhũng tiêu cực, thì vẫn được khen thưởng đề bạt, dẫn đến thủ trưởng cơ quan ém nhẹm các tiêu cực của cơ quan mình. Nếu vụ việc này xảy ra thì hậu quả khó lường.

Vậy theo ông dự thảo qui định trách nhiệm người đứng đầu cần phải bổ sung vấn đề gì?

- Cần phải thống nhất qui định trách nhiệm người đứng đầu một cách minh bạch, rõ ràng. Rà soát lại các cấp quản lý hành chính hiện nay, loại bỏ những chồng chéo giữa cấp trưởng và cấp phó, trao thực quyền cho họ, phân cấp rõ ràng trong công việc chuyên môn quản lý, xử phạt đúng sai công bằng.

Tránh tình trạng cấp dưới không cần cấp trên can thiệp thì cấp trên lại can thiệp, hoặc cấp dưới giải quyết việc của cấp trên. Người đứng đầu phải có thực quyền và đây là quyền không chia sẻ cho ai. Bàn bạc tập thể, nhưng khi quyết định phải là cấp trưởng và yêu cầu tất cả phải tuân theo, phục tùng quyết định đó. Tất nhiên đây mới đang là Dự thảo Nghị định xin ý kiến rộng rãi, mọi việc vẫn còn ở phía trước.                                                                                    

  • Đỗ Minh (Thực hiện)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,