221
452
Chính trị
chinhtri
/chinhtri/
94653
Cơ quan nào có quyền cấp sổ đỏ?
1
Article
null
Cơ quan nào có quyền cấp sổ đỏ?
,

(VietNamNet)Các đại biểu Quốc hội chuyên trách hôm qua (12/8) đã bàn luận khá sôi nổi về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, một nội dung của Luật Đất đai (sửa đổi). Một số ý kiến cho rằng, cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền giao đất thì có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để bảo đảm việc quản lý thống nhất đối với đất đai. Ý kiến khác lại cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một thủ tục hành chính được thực hiện trên cơ sở quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND cấp có thẩm quyền, do đó nên giao thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ quan quản lý đất đai cùng cấp.

Làm thủ tục nhà đất tại Sở địa chính Hà Nội. (Ảnh NGUYÊN VŨ)

Trước các tranh cãi, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với tổ chức và cơ sở tôn giáo; thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc UBND huyện, quận, thị xã thành phố thuộc tỉnh đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Thứ 2, cơ quan quản lý đất đai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được UBND cùng cấp uỷ quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tổ chức và cơ sở tôn giáo; cơ quan quản lý đất đai huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được UBND cùng cấp uỷ quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Để làm rõ quyền định đoạt của Nhà nước đối với trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất mà chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Nhà nước, trong phương án 2 cần có thủ tục công nhận quyền sử dụng đất của UBND cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.

Hai trường hợp này sẽ được đem ra bàn bạc tiếp trong Kỳ họp tháng 10 tới.

Đối với việc giao đất nông nghiệp cho nhân khẩu phát sinh, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước thu hồi đất của những người đã chết hoặc đi thoát ly để giao cho những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà thiếu đất sản xuất, nhất là những người sinh ra sau khi Nhà nước đã giao đất. Nhưng UBTV Quốc hội cho rằng, Luật Đất đai hiện hành quy định người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, để thừa kế, tặng cho. Vì vậy, việc thu hồi đất của người chết không phải là biện pháp khả thi. Mặt khác, quyền sử dụng đất nông nghiệp là tài sản của người sử dụng đất, người sử dụng đất nông nghiệp khi chết được để lại thừa kế như các tài sản khác, Nhà nước không thu hồi.

Bên cạnh đó, việc giải quyết đời sống, việc làm cho những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn đòi hỏi phải thực hiện bằng nhiều biện pháp đồng bộ. Dự thảo đã đưa ra một số biện pháp để giải quyết cho trường hợp thiếu đất sản xuất như điều chỉnh diện tích đất công ích vượt quá hạn mức (Điều 80), thu hồi đất của các nông, lâm trường sử dụng không có hiệu quả hoặc còn để lãng phí (Điều 81); khai thác đất bãi bồi ven sông, ven biển (Điều 88) và đất chưa sử dụng (Điều l09). Ngoài ra, để giải quyết vấn đề này, còn phải thực hiện nhiều biện pháp khác như phát triển ngành nghề nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ để thu hút lao động nông thôn, chuyển dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, thâm canh tăng vụ... Vì vậy, các đại biểu thống nhất bổ sung thêm quy định vào khoản 3 Điều 8: "Có chính sách ưu đãi đầu tư, đào tạo nghề, phát triển ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá''.

Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhiều ý kiến đồng tình rằng, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn phải thực hiện ở cả 4 cấp để bảo đảm vai trò quản lý của các cấp chính quyền. Có ý kiến đề nghị làm rõ nội dung cần lấy ý kiến nhân dân khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định rõ trường hợp nào được điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tránh thực hiện tuỳ tiện. Trường hợp quy hoạch, kế hoạch đã công bố, sau đó không thực hiện được thì phải có biện pháp bãi bỏ.

Nhiều ý kiến cho rằng việc các thành phố trực thuộc trung ương lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc là thiếu khả thi; nên giao các huyện lập quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất cho các thị trấn trực thuộc; giao các huyện, quận của thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các đơn vị hành chính trực thuộc. Đối với các khu công nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng cần lập quy hoạch xây dựng khu nhà ở bên cạnh khu công nghiệp để bảo đảm điều kiện sống cho người lao động.

  • Hồng Phúc
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,