"Nghe" thỏa ước, nhân viên công ty Phà Rừng ngậm đắng
- Sau bài viết "Xin thôi việc phải nộp phạt 12 triệu đồng", lãnh đạo tổng công ty Phà Rừng đã trực tiếp đến tòa soạn VietNamNet để giải thích.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Yêu cầu bồi thường theo thỏa ước lao động tập thể
Theo đại diện của Tổng công ty đóng tàu Phà Rừng, ngày 4/8/2010, công ty đã có công văn phúc đáp giải thích về quy định bồi thường khi thôi việc. Tuy nhiên, do trục trặc về đường công văn nên báo VietNamNet vẫn chưa nhận được phúc đáp này.
Trong buổi gặp mặt, công ty Phà Rừng cho biết: bảng kê bồi thường công ty đưa ra hoàn toàn dựa trên thỏa ước lao động tập thể đã được phổ biến tới cán bộ công nhân viên từ trước đó.
Ảnh minh họa: Internet
Ngày 14/7/2008, Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Phà Rừng có quyết định thành lập và một số nhân viên của công ty đóng tàu Phà Rừng được điều động lên tổng công ty. Trong hợp đồng với người lao động có điều khoản về bồi thường theo quy định số 1213/TCCB-LĐ có hiệu lực từ ngày 1/8/2008 của công ty đóng tàu Phà Rừng.
Khi chuyển thành tổng công ty, quy định số 1213 không còn hiệu lực nên tổng công ty ra quyết định ban hành quy định 325/QĐ-TCCB-LĐ trên cơ sở kế thừa toàn bộ nội dung của quy ước lao động tập thể cũ.
Lẽ ra, hợp đồng với số cán bộ công nhân viên được điều chuyển từ công ty Phà Rừng lên tổng công ty cũng phải được kí lại. Tuy nhiên, công ty đang trong quá trình chuyển đổi nên mới chỉ có lệnh điều động công tác chứ chưa thực hiện việc kí hợp đồng mới.
Như vậy, theo công ty Phà Rừng, việc người lao động khẳng định không biết nội dung quy định số 325/QĐ-TCCB-LĐ là có sự hiểu nhầm. Thỏa ước lao động tập thể của công ty đã được người lao động thảo luận, được đại hội công nhân viên chức công ty hàng năm biểu quyết thông qua và được đăng ký phê duyệt của sở LĐTBXH thành phố Hải Phòng.
Theo như nội dung của thỏa ước lao động tập thể thì khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty sẽ phải bồi thường theo số tháng đã làm việc.
Cụ thể với kĩ sư bậc 1/8 có hệ số lương 2,34 sẽ phải bồi hoàn:
Phụ cấp lương hàng tháng: 650.000 đ/th x 2,34 x 1,5 x 0,2 = 456.300 đ/th. Trong đó 650.000 đồng là mức lương tối thiểu; 1,5 là hệ số lương khoán; 0,2 là hệ số phụ cấp kĩ sư bậc 1/8.
Bồi hoàn khoản trợ cấp 200.000 - 300.000 đồng tiền thuê nhà hàng tháng tùy theo vị trí làm việc.
Bồi hoàn 200.000 đồng/ tháng phí đào tạo (theo thỏa ước lao động tập thể của công ty quy định thời gian làm việc ở công ty cũng là thời gian đào tạo).
Bồi hoàn chi phí đào tạo cho cá nhân do công ty tổ chức đào tạo.
Mức bồi thường cụ thể của từng cá nhân nhiều hay ít phụ thuộc vào số tháng làm việc của cá nhân đó.
Nội dung thỏa ước lao động tập thể số 1213/TCCB-LĐ của công ty Phà Rừng
Mặt khác, đại diện tổng công ty Phà Rừng khẳng định, có một số kĩ sư xin thôi việc trong thời gian qua chỉ nộp đơn qua thư kí và sau đó nghỉ ngay, không tuân thủ đúng thời gian báo trước như Luật Lao động quy định. Cho đến nay chưa ai đến thanh lý hợp đồng cũng như thắc mắc về bảng kê tiền bồi thường để công ty có cơ hội giải thích cho rõ.
Về sổ BHXH, do chưa chốt được sổ với bên BHXH nên tổng công ty cố gắng đến hết tháng 9/2010 sẽ trả sổ cho những lao động hoàn thành thủ tục thôi việc.
Đại diện tổng công ty cũng hi vọng, những người lao động thôi việc có những khúc mắc trong thanh lý hợp đồng liên hệ hoặc gặp trực tiếp phòng TCCB-LĐ để trao đổi, giải quyết.
Chịu phạt thôi việc: Tại sao người ít, kẻ nhiều?
Phóng viên VietNamNet đã trao đổi lại với anh T.D.H. Anh cho biết, năm 2008, anh và anh em trong phòng có thấy một quy định được dán trên bảng tin.
Trên thực tế, anh nộp đơn thôi việc từ trước và được trưởng đại diện kí nhận vào ngày 13/5/2010. Đến ngày 11/6/2010, anh nhận được quyết định thôi việc. Trong thời gian đó, anh vẫn làm việc tại công ty. Tuy nhiên, khi nhận được bảng kê bồi thường, anh cũng chưa quay lại công ty để hỏi lại.
Điều làm anh thắc mắc nhất là trước thời điểm anh xin nghỉ việc vài tháng, các kĩ sư khác khi rời công ty cũng phải bồi thường nhưng mức bồi thường chỉ là vài triệu đồng. Trong khi đó, tất cả những người xin nghỉ việc trong tháng 5 đều phải nhận mức bồi thường trên 10 triệu đồng. Mới đây, đồng nghiệp vào công ty cùng khoảng thời gian với anh nhưng có quyết định chấm dứt hợp đồng vào tháng 8/2010 lại chỉ phải bồi thường mức xấp xỉ 5 triệu đồng.
VietNamNet đề nghị anh T.D.H trực tiếp gặp phòng TCCB-LĐ của tổng công ty Phà Rừng để trao đổi và sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
- H.My
Nếu bạn chưa hài lòng về sản phẩm, dịch vụ được thụ hưởng |