221
10701
Bảo vệ người tiêu dùng
bvkh
/bvkh/
1286110
Mua "đô", bán vàng cũng kỳ kèo như mua rau ngoài chợ
1
Article
null
Mua 'đô', bán vàng cũng kỳ kèo như mua rau ngoài chợ
,

Từ dưới quê An Giang đưa người nhà lên TP.HCM chữa bệnh, giữa lúc túng tiền chị An đã quyết định bán hai chỉ vàng để lấy tiền trang trải. Tại khu vực chợ Bà Chiểu, nhìn vào bảng điện tử niêm yết giá của tiệm vàng H.M khá hợp lý với giá vàng 24K bán ra 28 triệu đồng/lượng, mua vào 27,5 triệu đồng/lượng, chị An yên tâm bước vào.

Tuy nhiên, sau một hồi "khè" lửa thử hai chiếc nhẫn vàng 24K của chị An, chủ tiệm kim hoàn này chỉ đồng ý mua với giá... 2,2 triệu đồng/chỉ vì lý do nước vàng không đẹp, nhẫn đeo lâu bị cũ. Nhưng nguyên nhân chính khiến vàng bị mua thấp giá là do vàng không phải của tiệm; còn bảng điện tử chạy giá chỉ là để... tham khảo!

Nhìn mặt để... tính giá

Nếu mang về tiệm vàng ở quê để bán mỗi chiếc nhẫn vàng loại một chỉ của chị An chỉ phải lỗ từ 15.000-20.000 đồng. Nhưng vì cần tiền gấp nên bán hai chỉ vàng khác tiệm, vì vậy mà chị phải chịu lỗ hơn triệu đồng. Do tình thế bắt buộc, cần tiền để thanh toán viện phí, mua thuốc cho người thân đang bệnh nặng, chị An không thể nào đợi đến khi tiền dưới quê gửi lên mới đi mua, càng không thể mang vàng về quê để bán. "Còn ở đây, nếu đi tiệm khác thì giá cũng chẳng hơn vì vàng đã bị xì đen vi tia lửa thử. Nhìn vào tiệm nào cũng sẽ ép giá như vậy thôi, có khi lại còn mua rẻ hơn", chị An cho biết.

Đối với vàng không phải của tiệm mình, chủ tiệm luôn tìm cách ép giá. (Ảnh: Thiên Nga)

Nắm bắt điểm yếu của khách hàng đang cần tiền gấp, đã hết cách xoay sở nên các tiệm vàng thẳng tay ép giá. Họ cũng biết rõ, đây không phải là đối tượng khách hàng thường xuyên lui tới tiệm, mà giao dịch chỉ vì bất đắc dĩ khi lâm vào thế kẹt. Vì thế nên ép được bao nhiêu là ép. Một chỉ vàng không phải thương hiệu của tiệm thường bị mua rẻ đến năm, bảy trăm nghìn đồng.

Không chỉ khách vãng lai mới bị o ép mà khách hàng tại TP.HCM khi bán vàng miếng SJC vẫn bị các tiệm "cò kè, mặc cả", trả giá. Tại một tiệm vàng quy mô khá lớn trên đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, mặc dù trước tiệm có bảng điện tử lớn, giá cả liên tục được điều chỉnh nhưng đối với khách hàng đến bán vàng chủ tiệm đều hạ mức giá mua xuống. Khách không đồng ý bỏ đi thì chủ tiệm kêu lại, trả thêm vài giá.

Lý do của việc giá cả bất nhất này, theo các chủ cửa hàng kim hoàn là do phải liên tục cập nhật. Điều này là không sai, khách hàng có thể chấp nhận đợi cửa hàng lấy giá vì thị trường vàng thay đổi từng phút, từng giờ. Tuy nhiên, với kiểu mua bán “chợ búa” đưa ra mức giá thấp, nếu khách hàng không đồng ý bỏ đi thì chủ tiệm kêu lại trả thêm vài chục nghìn/chỉ khiến nhiều người bất bình, tỏ ra không tin tưởng.  

Thị trường ế ẩm nên phải "lách" mới đủ bù sở hụi

Đó là cách giải thích của nhiều cửa hàng, tiệm kinh doanh vàng tại TP.HCM. Theo ông Chính, chủ một tiệm vàng khu vực chợ Tân Định, quận 1, giao dịch vàng trên địa bàn này trong một thời gian dài rơi vào sự trầm lắng đáng sợ. Vì vậy, các tiệm luôn cạnh tranh nhau, biên độ giao động giá mua vào - bán ra đối với vàng cũng như USD luôn được thu hẹp tối đa. Tuy nhiên, lượng khách đến tiệm mua bán cũng như số lượng giao dịch khá ít ỏi, đặc biệt là đối với sản phẩm vàng miếng. Vì vậy, tiệm phải tìm cách kiếm lơi nhuận để bù cho hàng loạt các khoản chi phí.

Giao dịch mua bán USD cũng phải kỳ kèo, trả giá. (Ảnh: Thiên Nga)

Thông thường biên độ giá mua vào - bán ra niêm yết cách nhau khoảng 50.000 đồng/lượng, đó là mức chênh lệch ở những lúc thị trường yên ắng. Thời điểm thị trường biến động mạnh, khoảng cách này được nới rộng ra từ 100.000-200.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, niêm yết chỉ là... niêm yết! Các tiệm cũng khéo biết liệu cơm gắp mắm. “Có khi mua bán một lượng vàng miếng SJC chỉ cần lời chừng... chục nghìn đồng là tiệm cũng giao dịch. Nếu trước đó tiệm vừa mua vào với giá thấp, sau đó có khách hàng đến mua thì tiệm sẽ sẵn sàng “sang tay” bán ngay. Khoản lời tuy không nhiều nhưng an toàn, đồng thời cũng có cái để tiệm hoạt động” ông Chính cho biết.

Tuy nhiên, chính vì yếu tố cạnh tranh mà không ít doanh nghiệp kinh doanh vàng làm ăn theo kiểu “chụp giựt”. Mặc dù bảng điện tử đã niêm yết giá nhưng chủ tiệm luôn kỳ kèo với khách hàng để được mua rẻ hoặc bán cao chút đỉnh. Đối với khách vãng lai bán vàng không phải thương hiệu của tiệm thì thẳng tay ép gia đã đành; khách quen tiệm cũng không tha. Khi khách gọi điện hỏi giá thì tiệm luôn báo mức giá bán ra thấp, đồng thời nâng giá mua lên cao nhưng khi khách hàng mang vàng đến giao dịch thì cửa hàng lập tức điều chỉnh giá lại.

"Những người có nhu cầu mua – bán vàng thường sau khi gọi là đến thẳng tiệm rồi giao dịch luôn. Tâm lý khách hàng ngại phải đi tiệm khác vì đang mang số tiền, vàng lớn trong người, sợ bị cướp giật. Nắm được điều này nên các chủ tiệm cũng ra sức cò kè để tăng thêm phần lợi về mình", một khách hàng đang giao dịch tại một tiệm vàng khu vực chợ Bà Chiểu bức xúc.

Việc mua bán USD tại các tiệm vàng cũng không ngoại lệ. Khách mua - bán “đô” lẻ một vài trăm USD đều bị tiệm vàng ép giá từ 10.000-15.000 đồng/tờ (100 USD), và cũng không tránh khỏi cảnh kì kèo, cò kè như mua mớ rau ngoài chợ khi khách bỏ đi rồi tiệm mới kêu lại bán. Một điều nữa là tại các tiệm vàng, khi bán ra cho khách, USD mệnh giá lớn cũng như mệnh giá nhỏ đều áp dụng một mức giá bán. Tuy nhiên, khi mua vào, loại USD mệnh giá nhỏ luôn bị mua thấp hơn mệnh giá lớn từ 5.000-10.000 đồng/100 USD.  

  • Thiên Nga
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,