,
221
7121
Truyện Online
truyenonline
/blogviet/truyenonline/
983490
Bà, tôi, chiếc đèn xếp và những kỷ niệm ấu thơ
1
Article
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
,

Bà, tôi, chiếc đèn xếp và những kỷ niệm ấu thơ

Cập nhật lúc 09:46, Thứ Ba, 18/09/2007 (GMT+7)
,

Ký ức” là hai từ nhằm diễn tả sự hoài niệm của con người về những gì đã qua. Có những ký ức vui sướng, buồn khổ, chúng đan xen và hòa quyện vào nhau để tạo nên một bản hoà tấu với các cung bậc khác nhau về tình cảm của mỗi cá nhân trong cuộc đời.

Hình ảnh: Vietnamnet
Hình ảnh: Vietnamnet

Đối với tôi, chiếc đèn “xếp” là một hình ảnh đẹp luôn ngự trị trong ký ức tuổi thơ, ở đó ẩn hiện tình thương yêu bao la của một người bà, cuộc sống bình dị nơi thôn dã mang dáng vẻ thuồn khiết của một làng quê Việt Nam với những cánh đồng lúa mênh mông, đàn trâu căng mộng nối đuôi nhau thủng thẳng trên con đê quai, những nong tằm nhúc nhích đầy nhộng, hàng cau cao chót vót bên những “đụn” rơm, những đứa trẻ đùa ngịch, những đàn én lượn lập lờ trên không trung và con sông xanh trong vắt…

Mùa hè năm 1987, khi đó tôi đang học lớp 3, chú Hoan đưa tôi về Hoàng Châu (Hoàng Hoá – Thanh Hoá). Nếu có những chuyến đi dài thì đối với tôi luôn là niềm hân hoan, háo hức tột cùng. Ngồi trên ghi đông chiếc xe đạp Liên Xô thời ấy của Chú, tôi được ngắm nhìn khung cảnh hai bên thỏa thích. Con đường đất đỏ rộng thênh thang hằn lên những vết bánh xe đạp, xe trâu của khách lữ hành chằng chịt. Cánh đồng lạc (đậu phộng) xanh rờn chia thành những ô vuông thẳng tắp như tấm thẳm nhung cứ lùi dần về phía sau. Xa xa, hàng cọ chỉa thẳng tàn lá lên bầu trời cao chót vót như những chiếc quạt đang che chắn hàng ngàn tia nắng chói trang của mặt trời.

Mải mê ngắm cảnh cho đến khi về tới nhà lúc nào không hay, xuống xe rồi nhưng tôi không thể nhấc nổi hai cái chân, dường như nó bị tê liệt toàn bộ, tôi ngồi thụp xuống đầu ngõ. Bà từ trong nhà đi ra, dáng vẻ bận rộn, quần xăn ống thấp ống cao, bồng tôi vào trong đặt xuống chiếc ghế giữa nhà. Tôi chưa kịp ngồi, bà đã lấy nước và bê ra một nồi cháo khoai tây như thể đã chờ sẵn từ bao giờ. Vừa đói vừa khát, tôi ăn uống một cách ngấu nghiến, ngon lành, mặc dù cái món này tôi chưa bao giờ ăn cả. Bà ngồi cạnh quạt liên hồi, hỏi thăm đủ thứ về gia đình, nhất là về bố (vì bố là con nuôi của bà). Bây giờ mới có thời gian để ngắm bà kỹ hơn, tôi thấy khuôn mặt bà nhỏ nhắn sạm đen, sống mũi cao, mắt sâu, tóc lốm đốm bạc, răng đen nhánh. Bà mặc chiếc áo bà ba nâu cộc tay, cổ tròn, sờn vai, thân áo loang lổ mồ hôi. Bà rót thêm nước trà xanh để nguội ra chén, nước sánh đóng thành váng trên bề mặt, bảo tôi uống và nghỉ một lát rồi đi tắm.

Nước trong chum (lu) mát rượi, tay bà cầm gáo dừa có cán dài múc nước, tay kia xoa khắp cơ thể tôi. Ngôi nhà của bà nhỏ và thấp, có ba gian, nền đất, gian giữa là gian thờ tổ tiên và bộ bàn ghế cao dùng tiếp khách, hai gian bên kê hai chiếc giường. Sân phơi đầy rơm, dưới gốc cau rơm chất thành đống như một cái nấm khổng lồ, bao quanh vườn bằng hàng rào râm bụt.

Không hiểu sao, mặc dù chỉ mới gặp bà lần đầu tiên nhưng tôi cảm thấy gần gũi và thân thiết từ khi nào. Ngay ngày hôm đó tôi đã trở thành “cái đuôi” của bà, theo bà vào bếp nấu cơm. Cái bếp chật chội, thấp lè tè đầy mạng nhện và bồ hóng. Bà tới chỗ cái “nấm” rơm moi ở phía trong ra một mớ đem vào trước cửa bếp. Có lần phụ bà làm bếp, một mình nhét đầy rơm vào cửa bếp, không có ôxi, rơm không cháy, bếp khói mịt mù, mồ hôi vã ra tư tắm, mắt cay xè chảy nước đỏ hoe. Nắp vung đen thui đầy tro bụi, cái nồi đất kho cá Cơm trộn dưa cải muối khét lẹt. Bà chỉ tôi cách nồng rơm bằng chiếc que sắt dài nhọn hoắc, dùng que này lùa tro ra hai bên để cho bếp thoáng, rồi khẩy vài cọng rơm vào. Thật là hữu hiệu, lần sau tôi có thể tự nấu ngon lành. Bữa cơm, tôi thích nhất là món cá Cơm kho dưa, ăn vừa bùi vừa chua, có vị gừng và đặc biệt không thấy mùi tanh của cá. Vào những buổi trưa, tôi thường đòi bà cho món “bã hèm” (bã rượu) sau khi đã cất rượu xong, cái này dùng để cho heo ăn thì lớn nhanh lắm.

Ngay từ đêm đầu tiên, bà kể tôi nghe chuyện về bố tôi. Ngày ấy, bố học trung cấp thủy sản ở trọ nhà bà. Qua hai năm ăn học trong nhà, bố luôn thể hiện mình là một người anh cả trong gia đình, mặc dù không nói nhận làm con nuôi, nhưng bố gọi bà là mẹ và bà gọi bố là con. Bà còn kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện cổ tích, có các hoàng tử, công chúa, ác quỷ… Những câu chuyện đó theo tôi đi vào trong giấc ngủ. Bà hứa, hôm nào tới phiên chợ sẽ mua cho tôi chiếc “đèn xếp”. Tôi chưa biết đèn xếp là gì, chỉ nghe bà tả lại là nó có nhiều hình dáng (tròn, vuông, bầu dục…) có nếp xếp, khi nào muốn thắp sáng thì mở nó ra. Mãi sau này, tôi mới biết được nó chính là chiếc đèn lồng. Kể từ hôm hứa mua cho tôi, hễ bà đi chợ là tôi đòi theo cho bằng được. Nhưng lần nào đi cũng đều thất vọng. Có hôm, lợi dụng cơ hội bà đang mua hàng, tôi chạy một mình lùng sục khắp chợ, bà phải đi tìm bở cả hơi tai. Do không mua được đèn xếp, nên sự tò mò của tôi đối với nó càng tăng lên gấp bội.

 

Thằng cu Ninh, cháu ngoại của bà cũng trạc tuổi tôi. Chúng tôi chơi với nhau thật thân thiết. Nó chính là đối tượng để tôi "hành hạ", chúng tôi lăn lộn trong đống rơm, trèo lên chiếc nấp rơm khổng lồ rồi nhảy xuống sân. Thằng Ninh thường dẫn tôi về nhà nó đi hái dâu cho tằm ăn. Lá dâu to như bàn tay người lớn, đem thái nhỏ ra như thái rau rồi rắc đều lên nong tằm. Từ xa, trông nong tằm như chiếc bánh tráng (đa) lớn sặc sỡ màu trắng xen kẽ màu xanh. Những con nhộng to như ngón tay út tôi nhúc nhíc trườn ngang dọc, tha hồ gậm ngấm, cắn xé lá dâu. Tối đến, quanh hàng cau trước sân phát lên những âm thanh nghe lạ lẫm, lúc thì vo ve, lúc thì vù vù, rồi xẹc một cái xuống nền sân, thì ra hàng trăm con bọ vừng đang đua nhau tìm chỗ đậu hay đi kiếm ăn tôi cũng không biết nữa. Con này gần giống con bọ hung nhưng màu nâu, cánh cứng, không có sừng nhọn như bọ hung đâu. Chúng tôi lấy chiếc vợt bằng lưới gắn vào cây gậy dài, chỉ cần hua một cái là được hàng chục con liền. Thằng Ninh lấy gạo nếp dồn vào bụng nó nướng lên thơm phức, lúc đầu tôi không dám ăn vì cứ nghĩ nó giống các con bọ hung hay rủi trong phân người. Nhưng thấy nó ăn ngon lành và dụ dỗ tha thiết, tôi ăn thử cảm thấy bùi và béo. Từ đó, tôi trở nên nghiền ăn món này. Rồi có những hôm, tôi bắt nó làm trâu cho tôi cưỡi. Giữa sân rơm, vừa quất vào mông nó bằng roi dâu, tôi vừa hát:

 “Cu Ninh cu nang...

Đánh đổ nồi rang

Đổ tội cho chó

Chó phải trận đòn

Là cu Ninh cu nang”

Tối, chú Hoan dẫn tôi qua nhà anh Hùng chơi. Trời tối, bộ chõng tre đặt giữa chiếc sân gạch rộng dùng phơi thóc, có ba người ngồi uống trà, một bể nuôi cá kiểng phủ đầy rêu xanh, ánh trăng chiếu xuống hòn non bộ, tôi nhìn thấy rõ những con cá rô phi, cá trê đang lượn lờ trong các hốc đá. Những tán lá xung quanh sân rũ bóng qua ánh trăng xuống nền gạch bát, tạo nên những mảng màu sáng tối trông rất lạ mắt. Trong 3 người đó, anh Hùng là người trẻ nhất, có lẽ anh 18 tuổi. Anh hỏi tôi có thích ra đồng chăn trâu không. Nếu tôi từ chối thì mới là lạ. Tôi đồng ý không chút đắn đo. Chúng tôi hẹn nhau sáng sớm mai sẽ bắt đầu suất phát.

Gà vừa gáy sáng, tiếng anh Hùng gọi í ới từ đầu ngõ. Tôi bật dậy, chạy xuống bếp xin phép bà. Con trâu của anh Hùng thật bự, mông nó tròn vo, bốn chân vạm vỡ. Hai cái sừng cong đều chắc nịch trông thật hùng dũng. Anh nhấc tôi lên lưng trâu, rồi anh nhảy lên ngồi trước tôi. Tôi ôm chặt cứng lấy anh, khi trâu bước đi, thân hình tôi trật trẹo sang hai bên theo nhịp bước của nó. Lưng nó lớn quá, thành thử hai chân tôi trạng ra hai bên làm xương háng hơi bị đau. Lần đầu tiên cưỡi trâu, tôi rất thích thú, nhưng vẫn sợ, cứ mỗi lần trông xuống đường thấy mình cao vòi vòi. Sợ nhất là lúc trâu bước qua mương nước, nó nhảy phốc lên rồi thả mình xuống đầu bên kia, tôi như đang trược ra khỏi lưng nó và rớt ra sau mông vậy. Trên con đê, tôi trông thấy rõ cánh đồng lúa một màu xanh bạt ngàn, hai bên như trải rộng nối tiếp nhau ra tận chân trời. Bầu trời buổi sáng trong vắt và mát rượi, mặt trời đang ló đầu ra từ đám mây xanh. Thấp thoáng, những chiếc nón trắng nhấp nhô. Lúa đang trong thời kỳ mạ nên nó xanh tươi mơn mởn.

Hình ảnh: Nhóc đen thui - Blog JJ Huy (st)
Hình ảnh: Nhóc đen thui - Blog JJ Huy (st)

Thỉnh thoảng, một vài làn gió thổi phớt nhẹ trên mặt ruộng làm cho lúa dập dờn như những làn sóng nối tiếp đuổi nhau. Anh Hùng tới chỗ mấy người bạn, họ đang bẫy chim én. Buổi sáng én liệng rất nhiều, chúng lao mình lên xuống như máy bay, khi thì xà mình trạm tới ngọn lúa không biết để làm gì. Bọn bạn của anh Hùng đưa ra một bó xương dừa, đầu gắn những chiếc vòng bằng thép như dây đàn. Anh ấy lội xuống ruộng, cắm mỗi nơi một chiếc cao hơn cây lúa. Vậy mà không ít chim én bị mắc bẫy, mỗi lần con chim nào sà xuống mà không thấy bay lên thì chúng đã bị mắc bẫy rồi. Có con cổ còn thòng lọng trong vòng thép, có con máu ứa ra, đa số chúng đều bị chết. Và một bữa tiệc nướng chim én đã diễn ra. Khói bốc lên nghi ngút, vặt lông chim, sâu vào cây sắt, mùi thơm bốc ra làm tôi muốn chảy nước miếng. Chim én ít thịt nhưng xương nó mềm. Nhai ròn tan trong miệng. Sau ngày hôm ấy, tôi như bị mê hoặc bởi một trò chơi mới đầy quyến rũ. những lần kế tiếp, tôi hết sợ cảm giác mạnh của việc cưỡi trâu. Tôi thúc ép anh Hùng thường xuyên cho trâu đổng, đua với những con trâu khác, con trâu của tôi thường xuyên về nhất vì nó là kiện tướng phi nước đại. Mấy lần tôi bị hất tung xuống ruộng lúa do trâu nhảy qua mương, lưng nó trơn, tôi không thắng nổi quán tính để giữ thăng bằng.

Những tháng ngày tươi đẹp trôi đi thật nhanh, mới ngày nào mà đã hết ba tháng hè rồi ư. Tôi không muốn về nhà, chú Hoan dỗ dành tôi bằng nhiều cách. Ngày đi học đã cận kề, hôm nay chú cương quyết đưa tôi trở lại nhà bằng được, tôi nằm lăn xuống nền đất ăn vạ. Bà vỗ về và hứa sang năm sẽ đón tôi trở lại, sẽ mua sẵn đèn xếp cho tôi. Tôi tạm biệt bà, tạm biệt cu Ninh, tạm biệt anh Hùng và tạm biệt những kỷ niệm không thể nào quên.

Sau này, do đi học xa nhà, bà mất tôi không thể theo bố về được. Nhưng tình cờ, chú Hoan ra chơi, khi ấy chú đã có gia đình và có con, tôi đã theo chú về lại. Tôi không tin vào mắt mình nữa, ngôi nhà đã khác, chỉ còn lại cái bếp xưa, hàng rào xây bằng tường gạch.

Bà không còn nữa, trong góc bếp tôi đưa mắt tìm một hình bóng quen thuộc, cái lưng còng, đôi chân trần với những chiếc ngón “trạng” ra. Màu áo nâu thơm mùi khói bếp mà hằng đêm tôi thường rúc đầu vào nghe bà kể chuyện. Vậy là cháu vẫn chưa biết được hình hài của chiếc đèn xếp như thế nào. Sao bà lại không mua gửi về cho cháu?

Giao diện Blog Nguyễn Nhật Khánh
Giao diện Blog Nguyễn Nhật Khánh
Bà đã ra đi thật xa mang theo cả lời hứa chưa thực hiện của mình. Cho dù tôi chưa trông thấy chiếc đèn ấy, nhưng thật sự nó đã tồn tại trong ký ức của tôi từ những tháng ngày thơ dại, chiếc đèn của tình thương yêu, chiếc đèn thắp sáng trong trái tim non dại của tôi hơn cả tình máu mủ. Hơn 20 năm trôi qua, tôi cứ để chiếc đèn xếp ấy trong hoài niệm của mình, mỗi khi buồn, khi cô đơn tôi lại thắp nó lên để sưởi ấm tâm hồn.

Truyện Online theo Blog Nguyễn Nhật Khánh

Về tác giả blog Nguyễn Nhật Khánh: "Lúc 3 tuổi có một ông cụ nói rằng: "lớn lên con sẽ làm quan"? Nhưng 2007 tôi đã từ bỏ nó!"

Cảm nhận của bạn về bài viết? Những câu chuyện bạn muốn chia sẻ, mời bạn gửi theo mẫu sau hoặc gửi email về địa chỉ blogviet@vasc.com.vn

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,