,
221
7322
Kết nối bạn đọc
ketnoi
/blogviet/ketnoi/
1139968
Cảm ơn Bố Mẹ và bao điều không thể nói!
1
Article
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
,

Cảm ơn Bố Mẹ và bao điều không thể nói!

Cập nhật lúc 00:13, Thứ Hai, 12/01/2009 (GMT+7)
,
 
Kết nối Blog - Ngày 30.11 của ba mươi nhăm năm trước, năm 1973, là một sự kiện rất trọng đại với Bố Mẹ tớ: Bố tớ rước Mẹ tớ về làm dâu.
Ngày đó, Bố tớ đã thoát ly khỏi quê hương năm tấn, và làm anh công nhân ở khu Gang Thép Thái Nguyên. Mẹ tớ thì vẫn ở làng. Không hiểu sao, Bố tớ chọn ngày cưới lại đúng sau ngày truyền thống Công nhân Gang Thép có 1 ngày thôi. Mà Bố tớ là một cây văn nghệ khá cừ. Ngày 30 lấy vợ, xin phép tổ chức về từ 27, tổ chức không duyệt, vì "phải xong đêm hội diễn văn nghệ chào mừng 10 năm truyền thống đã". Ngày truyền thống Công Nhân Gang thép là 29.11, hội diễn văn nghệ vào đêm 28.1, khổ Bố tớ chưa!

Bố tớ đành ngậm ngùi chấp hành mệnh lệnh của tổ chức. Ngày 28, chắc là Bố tớ như ngồi trên đống lửa, sốt ruột lắm mà chả làm thế nào được. Đến trưa thì được tin hoãn văn nghệ vì bom lửa chiến tranh ác liệt quá, thế là Bố tớ được tha, được về sớm hơn dự định những nửa ngày và một đêm.

Tổ chức đã cử người đèo bố tớ hơn trăm cây số từ Thái Nguyên về Thái Bình bằng chiếc xe máy hiếm hoi thời ấy, xe của con giai một vị lãnh đạo ở đó hẳn hoi nhé.

Bố tớ kể rằng, ngày đó, để mang 2kg chè Thái Nguyên về quê hỏi vợ, phải có giấy giới thiệu của tổ chức thì mới được mang về. Trước khi ký giấy giới thiệu, tổ chức còn mang hồ sơ gốc của Bố tớ ra xem xét, và ghi vào giấy là bố tớ chưa từng có vợ con, hiện đang độc thân, được về quê lấy vợ, và được mang kèm 2kg chè để hỏi vợ. Khi về quê rước Mẹ tớ, cùng với 2kg đã được đóng dấu của tổ chức, hành trang của Bố tớ còn đủ thứ giấy màu đã cắt hình, cắt chữ để dán trang trí phông cưới mà tự tay Bố tớ làm (Bố tớ khéo tay lắm!). Trong số phông chữ ấy còn có câu đối:

NHÀ MÁY TRỜI CAO ĐÀI HẠNH PHÚC 

CÁNH ĐỒNG VÀNG RỰC LÚA VẠN CÂN

Đúng là người của biên chế có khác... Hừng hực khí thế. Chỉ hai câu mà ai cũng thấy bóng dáng của Gang Thép gắn với quê lúa Thái Bình. Ngày cưới Bố Mẹ, loa phóng thanh ở đầu làng còn hát vang những bài ca truyền thống của Công nhân Gang Thép thời bấy giờ. Bố Mẹ tớ tự hào lắm!

Ảnh minh họa: Jillianfrancois

12h trưa hôm nay, đúng lúc tớ rót bia cho. Bố nhìn đồng hồ bảo: Giờ này năm 1973 là đón Mẹ con về nhà rồi đấy. Các cụ bảo phải về trước NGỌ mà. Mẹ kể rằng cô dâu ngày đó mặc một chiếc quần satin đen nhánh, may rộng và loe, y hệt như cái quần của các bộ áo dài bây giờ, rồi mặc một cái áo trắng, tay cắp một cái nón lá - cũng màu trắng, bẽn lẽn đi bên chú rể, dọc theo đường làng, về làng bên ấy. Không có chụp ảnh, không có hoa gì hết.

Cỗ cưới thì cũng thịt gà, thịt lợn nhà tự túc được. Đặc biệt là có món canh chuối. Ngày đó thế là sang lắm rồi. Quà mừng cưới ngày đó ai đến cũng mua đồ gia dụng thiết yếu như: nồi, xoong, chậu, chảo bột trẻ con, đồ chơi trẻ em...

Mỗi người một món đồ, được bao gọn trong lớp giấy màu hồng, cắt tua rua khá điệu, lồng vào nhau, trang trí... Cái bàn để quà cưới to đến một nửa khu vực gọi là sân khấu. Các món quà cứ chồng lên nhau, cao chất ngất. Toàn đồ nhôm của Việt Nam phân phối. Mà sao ngày đó mua bán gì toàn bằng tem phiếu, mà người ta vẫn có được nhiều đồ tặng thế nhỉ? Tớ lại nhớ lời M của tớ, mỗi khi tớ nhăn trán không biết chọn quà gì cho bạn bè, M thường hóm hỉnh: Quà to hay bé hả em? Bé thì cái kim sợi chỉ, to thì cái lồng bàn...Giờ mới thấy M có lý...
Ba mươi nhăm năm trước, đám cưới chưa bị cấm pháo. Âm thanh rộn ràng duy nhất và hơn hẳn bây giờ, đó là tiếng pháo. Đúng nghĩa của câu "pháo đỏ rượu nồng".. Bố tớ bảo, có người đến nhà mừng tiệc cưới bằng một bánh pháo nổ ròn rã từ ngõ, trẻ con xúm vào nhặt pháo xịt, và háo hức khoe nhau... Nhẹ nhàng mà vui cực độ.
Đón dâu, đoàn nhà trai đến ngõ nhà gái, báo hiệu bằng một tràng pháo giòn giã. Pháo nổ càng to và đanh thì càng may mắn. Đáp lại, nhà gái cũng nổ một tràng pháo đón mừng, và chỉ khi nào nhà gái nổ pháo thì nhà trai mới được vào xin dâu. Các cụ ra dấu với nhau chỉ đơn giản bằng một tràng pháo vậy đấy.
Người con gái theo chồng, ngẩn ngơ nhìn xác pháo vương đầy mặt đất, vương đầy ngõ, và sụt sịt vì khói thuốc pháo lan tỏa khắp nơi. Nhà gái nhìn theo chân cô dâu bước trên xác pháo, rời cổng, ra ngõ, khuất sau bóng tre. Ngậm ngùi thương con gái... Mẹ cô dâu lại chép miệng: Mười hai bến nước...

Bây giờ thì anh trai tớ đã 33 tuổi rồi, Mẹ tớ đã nghỉ hưu sau những tháng năm miệt mài ở khu Gang Thép. Bố tớ vẫn đang tiếp tục cống hiến. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, cùng cực của thời bao cấp, qua bao nhiêu nhọc nhằn khi ba đứa con khôn lớn, ăn học. Giờ mỗi khi nhấc máy gọi về nhà, câu nói hay gặp nhất của Bố Mẹ tớ, đó là: Bố Mẹ đang đi bộ thể dục (tối) hoặc: Mẹ đang nấu cơm, Bố đang làm vườn (ngày nghỉ), ...
Ảnh minh họa: Blog tác giả: Mama and Papa bên vườn rau trên tầng 2 ở nhà.
Làm vườn, vì Bố Mẹ tớ trồng rau trong các hộp xốp trên gác 2 ở nhà. Rau cực sạch, thừa an toàn và cực tươi ngon nhé. Lần nào về nhà, Bố Mẹ tớ cũng cắt rau cho mấy đứa mang đi, nhất định là đứa nào cũng phải có phần, đơn giản vì đó là rau nhà trồng.

Tớ thật vui trong hạnh phúc giản đơn của Bố Mẹ tớ bây giờ, cứ con cái về là tất bật đi chợ, rồi về lúi húi sắp xếp mỗi thứ một tí, quà quê đấy... Một chút lá chè xanh này, một ít dưa chuột này, mấy củ sắn này, gà chạy bộ thì Bố Mẹ đi chợ, mua mấy con về, rồi tự tay Bố và tớ làm thịt gà để cho con mang đi này. Cái gì Bố Mẹ tớ cũng thích tự tay làm cho con cái, và chỉ yên tâm khi chính tay mình làm...

Ba mươi nhăm năm... Cảm ơn Bố Mẹ và bao điều không thể nói!

Tác giả Blogger Quỳnh Nga

Hình ảnh đại diện của Blog Quỳnh Nga

Vài nét về Blogger Quỳnh Nga: “Càng già càng khó tính”

Cảm nhận về bài viết mời bạn gửi theo mẫu sau hoặc gửi bài viết, đường link blog muốn chia sẻ về địa chỉ blogviet@vietnamnet.vn (vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu để phản hồi của bạn sớm được đăng)

Ho ten: Thảo
Dia chi: Nam Định
Noi dung: Với e, lời "tỏ tình " khó khăn nhất trong đời có lẽ là nói " con yêu bố mẹ" Chưa khi nào nói lên câu ấy, thấy nó cứ trẻ con và sáo thê nào , Nhưng hi vọng bố mẹ có thể cảm nhận được. Gia đình luôn là bến đỗ bình yên. Cảm ơn chị vì bài viết.

Ho ten: Nguyễn Thị Hải Yến
Dia chi: Hà Nội
Email: haiyen_vank45chn@yahoo.com.vn
Tieu de: Bố mẹ yêu thương
Noi dung: Con cảm ơn bố mẹ đã yêu thương và tin tưởng con, dường như đó là niềm tin tuyệt đối! Con từng khóc vì sung sướng và thấy lòng mình ấm hơn với những hôm lóc cóc đạp xe ngoài đường và nhận được tin nhắn" Vịt ơi, sắp về đến nhà chưa con?" Con cảm ơn mẹ với những lời động viên an ủi, giọt nước mắt của mẹ vui mừng khi thấy con mạnh mẽ, khi thấy con đạt được những thành công càng khích lệ con vững bước Con cảm ơn bố mẹ với nồi cá kho dưa chuẩn bị với tất cả tình yêu thương chờ con gái về thăm quê, cảm ơn những cái nắn tay nhè nhẹ của mẹ khi con ngủ để xem con gày béo ra sao, cảm ơn những yêu thương của bố, nhẹ nhàng thầm kín nhưng sâu sắc! Con tự hào khi có bố mẹ ở bên, con mạnh mẽ và vững bước hơn khi có bố mẹ yêu thương luôn che chở, tin tưởng. Con cảm ơn Yêu Thương nhiều lắm!

Ho ten: Vũ Minh Đức
Dia chi: Hải Dương
Email: minhduc.hd9@gmail.com
Noi dung: Đã có bao nhiêu người trong chúng ta nói thành lời câu:"con yêu Bố Mẹ" chưa? Chắc là không nhiều, và tôi cũng là một trong số đó đấy! Cảm ơn bạn đã cho tôi nhớ rằng mình vẫn chưa nói lời này với Bố Mẹ mình.

Ho ten: Thu Hà
Email: le_thu_ha_88@yahoo.com
Noi dung: Gia đình là nơi cho ta cảm thấy bình yên nhất.

Ho ten: phương Dung
Dia chi: Ninh Bình
Email: nhanhlanmautim@gmail.com
Noi dung: bạn thật là hạnh phúc

Chép link sau vào chương trình đọc Feed (RSS) để cập nhật những bài viết mới nhất của Blog Việt ngay tại Blog của bạn: /rss/vnn_blogviet.rss

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,