,
221
7021
Blog Việt
blogviet
/blogviet/
925166
Ai sẽ hiểu em?
1
Article
null
,

Ai sẽ hiểu em?

Cập nhật lúc 09:46, Thứ Hai, 23/04/2007 (GMT+7)
,

(Blog Việt) - Lời tâm sự của một blogger tuổi “ô mai” cùng những lời chia sẻ rất đáng suy ngẫm của bạn bè cô bé.

IMG_0173.JPG
Ảnh: Quỳnh Hoa

Có lẽ chẳng ai hiểu em!

Có một điều tớ chưa bao giờ nói,  ấy là... em rất "bôn". Em rất sợ nói ra sẽ bị người ta cười vào mũi, người ta bảo em giống bà già, bảo em lập dị.

Giời kiểm tra Sinh, đối với em bài kiểm tra ấy rất khó. Em không làm được!

Vì giờ kiểm tra đó chẳng có ai trông nên hệ quả tất yếu là rất nhanh sau đó cả lớp náo loạn như một cái ch và... tất cả sách vở được lôi ra.

Chép, so bài, và tranh giành nhau cứ thế diễn ra trước mắt em. Vẫn còn giữ được chút sĩ diện, em không mở sách mà mượn bài của đứa khác để chép. Nhưng bài của nó cũng bị giằng co. Và em nghĩ: “Từ bé đến giờ mình chưa bao giờ làm thế. Tại sao bây giờ...?”

Và thế là em không chép nữa... Em cứ ngồi im như thế ngắm khung trời qua cửa sổ. Cố bỏ qua những tiếng ồn ào kia.

Em bị 3,5 điểm – điểm số thấp nhất lớp. Không có gì ngạc nhiên. Em đã nghĩ cho dù điểm kém nhưng em là người duy nhất trung thực. Nhưng ai quan tâm? Ai quan tâm em có trung thực hay không?

Mẹ em luôn muốn tớ phải được điểm cao. Em sẽ nói gì với mẹ? Bạn bè vẫn cười hả hê với những điểm mười. Cho dù điểm 10 ấy... có thực sự thắm đỏ? Nhưng ai có điểm mười ấy cũng như thế, không ai cảm thấy một chút ngượng ngùng... có chăng, chỉ là đứa bị điểm kém nhất.

Cô không cho kiểm tra lại. Cho dù em nói với cô điều gì đi nữa. Cô không hiểu. Vấn đề không phải là em được bao nhiêu điểm mà vấn đề là sự bất công. Không ai hiểu một điều đơn giản như thế!

Em đã nén nước mắt rất giỏi. Và nó chỉ trào ra khi tớ một mình đạp xe về nhà. Người ta đâm vào em, người ta chửi nhưng em chẳng nhớ gì. Vì lúc ấy, trên mặt em chỉ toàn nước mắt...

Blog Việt theo Blog Lotterite - * Tên bài viết do Blog Việt đặt.

Comment từ blog:

Giao diện Blog Lotterite
Giao diện Blog Lotterite

Oakman: Để anh kể cho em vì sao anh căm ghét việc quay cóp.

Từ khi còn nhỏ, học tiểu học, mẹ đã luôn dạy anh là phải trung thực. Tiểu học làm gì có học sinh quay cóp còn bây giờ thì anh không dám chắc nhưng những lời mẹ dặn là không thừa.

Hè lớp 5 mẹ mất...

Đến năm lớp 7, anh học cô chủ nhiệm mới là cô Hảo. Cô là một người cực kì nghiêm khắc nhưng rất có tình, sau này cô trở thành một trong những người cô anh quý trọng nhất. Năm ấy, cô quyết tâm làm đến cùng chuyện gian lận trong kiểm tra - vốn là thường ngày ở trường Nguyễn Công Trứ. Lớp anh có vài chục đứa phải viết bản kiểm điểm. Có thể với nhiều đứa chuyện ấy là thường, nhưng với anh bản kiểm điểm là một nỗi hổ thẹn khủng khiếp. Anh không biết phải về nhà và nói như thế nào.

Cuối cùng thì anh cũng phải nói. Và hôm đó, là một trong những lần hiếm hoi bố ngủ trọn cả đêm ở nhà với anh. Bố hỏi tại sao? Một thằng ngu dốt nhất cũng trở nên siêu nhân khi bao biện cho mình nên... anh đã nói rằng anh không chép sách mà chỉ nhìn bài bạn, rằng chỉ là môn Kĩ Nông không thực sự thực tiễn, rằng chỉ là một lần, rằng cả lớp đứa nào cũng thế...

Và anh bất ngờ khi thấy bố chả tỏ vẻ gì tức giận cả. Thậm chí còn bảo rằng trừ phi bần cùng lắm thì hẵng chép bài, mà nếu có thì cũng phải cẩn thận đừng để thầy cô thấy!

Yên tâm không? Thích không? Nhẹ người không? Có chứ, có chứ, đòi hỏi gì hơn nữa ở một thằng lớp bảy?

Nhưng bác anh thì không dễ bỏ qua như thế. Họ nhà ngoại anh đều làm giáo viên và đều ngay thẳng đến khó tin. Bác yêu cầu anh viết một bức thư để giải trình mọi việc, nhưng không phải là đưa cho bác, mà là để đem về Vẽ, đọc cho mẹ nghe.

Anh viết lại vẫn chừng ấy những gì đã nói. Những gì đã nói với bố, tại sao không nói với mẹ?

Buổi sáng chủ nhật tuần ấy là một buổi vất vả. Bác đèo con gái, khi ấy mới 4 tuổi, đạp xe về quê cùng với anh. Trời nắng. Đường bụi. Và 15 km với anh lúc đó và em bé 4 tuổi rõ ràng là xa. Dọc đường nghỉ đến mấy lần. Đẫm mồ hôi. Mỗi lần nghỉ, bác chẳng đả động gì đến chuyện sắp làm, bác chỉ nói những chuyện lặt vặt. Sau này anh ngẫm lại đó không phải là những chuyện lặt vặt. Đó là những chuyện đơn giản những để cho anh thấy mẹ anh đã sống như thế nào.
Đứng trước mộ, bạt ngàn gió. Gió to lắm. Bác yêu cầu anh đọc thư, không cần đọc to, lẩm nhẩm thôi cũng được. Một mình anh đứng trước mộ mẹ, bác ngồi đằng sau chẳng nói hay hối thúc gì. Những dòng chữ xin lỗi, giải thích mạch lạc rõ ràng là thế nhưng không thể cất ra nổi. Gió vẫn rất to và người anh thì run lên không rõ lí do. Anh biết mình có nói gì thì bác cũng chẳng hề hay biết, nhưng anh không sao đọc nổi những lời chính mình đã viết.

Và anh khóc. Ngồi bệt xuống mà khóc. Không thể đọc nổi. Có những lời anh vẫn tự bảo anh "không, không phải hoàn toàn sự thật nhưng cũng không phải dối trá" và vẫn dễ dàng nói với mọi người xung quanh, nhưng khi đứng ở đó, anh không thể nói được. Anh thấy hổ thẹn. Gió kinh khủng và anh cứ thế khóc, một lúc lâu.
Và lửa bùng lên.

Em đã thấy cảnh ấy bao giờ chưa, khi những nén nhang thắp cho người đã khuất bỗng bùng lên thành lửa thực sự, lửa bốc thành ngọn chứ không phải những đốm đỏ? Bác anh bảo lửa cháy bùng lên như thế tức là mẹ đã hiểu những gì anh muốn nói và hiển hiện về. Đấy là lần đầu tiên anh thấy cảnh tượng ấy. Và thú thực là anh đã hơi sợ. Lửa to lắm, làm cho hình ảnh bia mộ rung lên sau lớp không khí nóng, gió thổi lửa bạt đủ các hướng...

Cuối cùng thì lửa tắt sau khi đã làm cháy đen cả một vạt cỏ. Anh vẫn chưa thực sự hết khóc. Lúc ấy bác anh nói rất ít. Không như trên chặng đường đã kể rất nhiều. Câu cuối cùng làm anh nhớ mãi "Cháu sống là để cho ai? Trung thực là để cho ai? Không phải cho bố cháu, cho bác, cũng không phải cho linh hồn mẹ cháu, mà là cho chính bản thân cháu, để cháu có thể luôn tự hào về mình và không bao giờ phải thấy hổ thẹn đến như thế. Chỉ thế thôi."

Ngày hôm ấy và ngọn lửa ấy là điều anh không bao giờ quên được...

Thực ra trên đời có người giỏi ắt phải có kẻ dốt, có kẻ kém hơn ta thì cũng phải có kẻ hơn ta, nếu ai cũng giàu có thì đào đâu ra tài sản, nếu ai cũng lãnh đạo thì ai là người làm? Không cần phải trăm phương ngàn kế để vươn đến một cái giá trị ảo làm gì phải không?

Có thể xã hội nặng nề chuyện công danh, nhưng hạnh phúc và bình yên là cảm xúc của mỗi con người, và anh tin ta có thể tự thấy hạnh phúc ngay cả khi mọi người cho rằng: với cảnh sống như thế thì hạnh phúc nỗi gì? Ở nơi này nơi khàc anh vẫn còn làm những chuyện chưa được như ý, vẫn có những lúc làm người thân thất vọng, nhưng việc đặt kì vọng là việc của họ, cuộc sống là của anh và chừng nào anh thấy bình yên vì không làm điều gì hổ thẹn, vì đã thực sự cố gắng trong khả năng của mình, thì anh không thấy mình đáng phải tự làm phiền lòng mình.

Anh cực kì yêu quý những người biết đủ, biết mình là ai, biết sống trung thưc, biết sống vì bản thân một cách thích đáng. và anh rất vui khi đọc được những dòng như thế này của một người trẻ hơn mình. Hơi ngỡ ngàng. Một cảm giác ngỡ ngàng hạnh phúc.

Còn nếu khi nào đó mắc lỗi lầm thì chỉ cần sòng phẳng và chân thật với lỗi lầm của mình, ta sẽ lại có thể tìm thấy bình yên.

Hy vọng em sẽ không phải khóc vì những chuyện như thế này nữa mà em sẽ tự hào vì bản thân. Sẽ biết phấn đấu vì những điểm tốt hơn thật của mình. Sẽ biết hài lòng với điểm kém thật của mình.

Cào Cào: Anh cũng nghĩ như em. Hồi cấp III anh học trong một môi trường học tập cạnh tranh lành mạnh, vào đại học mới thấy cái sự thể nó thế nào. Nhưng học thì ấm vào thân mình. Điểm số tất nhiên là quan trọng, nhưng nó là thứ yếu, xếp sau những gì mà mình tiếp nhận được. Vì thế, nếu anh không làm được, anh sẽ vui vẻ chấp nhận điểm kém, vì dù sao nó cũng là điểm "của" mình, nó đánh giá công sức học tập của mình. Chứ, làm thế nọ làm thế kia, rồi điểm khá khẩm, cao hơn thực chất của mình, lúc nhận điểm, nhìn bạn bè ngại lắm.
Cố lên em, dù thế nào quanh em vẫn có những người suy nghĩ giống em và ủng hộ em.

Hình ảnh đại diện của Lotterite
Hình ảnh đại diện của Lotterite
King: Điểm 3 Sinh nhưng mà điểm 10 trong lòng mọi người! "Bôn" trong nhân cách thì tốt em ạ, nên gìn giữ trân trọng những phẩm cách tốt đẹp của mình. Nhưng về suy nghĩ thì nên có sự mềm dẻo hơn, đừng cứng nhắc quá em nhé!

Về tác giả blog: Lotterite – Trương Thúy Ngân: “Trốn trong gác nhỏ tự hoà tan...”

Blog Việt mời bạn tham gia ý kiến trong mẫu phản hồi sau hoặc gửi bài viết, đường link blog về địa chỉ blogviet@vasc.com.vn

Phản hồi của độc giả Blog Việt

 Phản hồi của độc giả Blog Việt - tiếp

 

,
Gửi cho bạn bè In tin này
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,