,
221
7082
Những người sớm cất cánh
catcanh
/baylenvietnam/catcanh/
877464
Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất của nhân lực
1
Article
6881
Bay len VietNam
baylenvietnam
/baylenvietnam/
,

Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất của nhân lực

Cập nhật lúc 10:42, Thứ Ba, 26/12/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Chuyên môn không phải là tất cả sự hấp dẫn của con người. Giá trị văn hoá, hiểu biết văn hoá, sự duyên dáng trong hành vi cũng như ứng xử của các bạn chiếm vào khoảng 50% giá trị thương mại của các bạn. Trình độ chuyên môn chỉ có giá trị khoảng 15% khi các bạn tìm công việc". Kinh nghiệm của chuyên gia Nguyễn Trần Bạt.

Tiếp tục cuộc trò chuyện với ông Bạt trong chuyên đề "Bay lên Việt Nam". Lần này, ông chia sẻ góc nhìn của mình về nguồn nhân lực hội nhập.

"Văn hoá" háo danh

Soạn: HA 989777 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Chúng ta xem trường dạy nghề là trạng thái nghỉ khi không đỗ đại học, khi nào đỗ là bỏ học nghề ngay. Đấy là khuyết tật xã hội chứ không phải là lỗi của Bộ GD&ĐT. (Ảnh VNN).

- Cạnh tranh toàn cầu rõ ràng cần nguồn nhân lực có chất lượng, như cách nói của ông, sự phát huy nguồn nhân lực tạo nên sự phát triển của một quốc gia. Nhưng nền giáo dục Việt Nam còn rất nhiều vấn đề. Theo ông đâu là nguyên nhân sâu xa?

Tôi không thích lắm thái độ xã hội đối với vấn đề giáo dục, đó là đổ vạ toàn bộ khuyết tật của nền giáo dục Việt Nam lên đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xã hội thích hư danh, thích bằng cấp, đấy có phải lỗi của Bộ đâu.

Bộ đôi khi còn hạn chế cả cái khát vọng thích bằng cấp của nhân dân bằng các chỉ tiêu đào tạo. Như vậy rõ ràng là Bộ hạn chế tính hư danh của xã hội chứ có khuyến khích đâu. Khuyết tật của nền giáo dục Việt Nam là khuyết tật có chất lượng văn hoá của xã hội chúng ta.

Tôi nghe đài nói về chuyện chúng ta thích học đại học. Chúng ta không đào tạo nghề, chúng ta không có các trường dạy nghề, chúng ta xem các trường dạy nghề như là một trạng thái nghỉ khi chúng ta không đỗ đại học, khi nào đỗ đại học là chúng ta bỏ ngay việc học nghề. Đấy là khuyết tật xã hội chứ không phải là lỗi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Có thể lỗi của hệ thống chính trị là không nhận ra khuyết tật ấy của dân tộc, nhưng tạo ra trạng thái ấy cũng không phải là lỗi của hệ thống chính trị, bởi vì trước hệ thống chính trị này dân ta vẫn thế, vẫn thích chữ nghĩa.

Vợ thì còm cõi "quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng", còn chồng là phải đi thi. Thi trượt thì trở thành một ông chồng khác, bất đắc chí, gàn dở. Thi đỗ thì bà vợ có thể trở thành nạn nhân của tính thích vinh hoa. Bao nhiêu truyện trong dân gian Việt Nam đã mô tả rằng nếu ông chồng mà không thành đạt thì bà vợ phải gánh một anh chồng gàn dở và bất đắc chí, nếu mà đỗ đạt thì bà vợ có một ông chồng chuẩn bị lấy công chúa... Nền văn học của chúng ta phản ánh cái trạng thái tinh thần ấy từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa có, chuyện "Tống Trân, Cúc Hoa", "Lưu Bình, Dương Lễ" có từ lâu rồi.

Cho nên khuyết tật của hệ thống chính trị hiện đại của chúng ta là không phát hiện ra nhược điểm ấy của dân tộc để mà hạn chế chứ không phải họ tạo ra thói xấu của dân tộc chúng ta.

Soạn: HA 993287 gửi đến 996 để nhận ảnh này
(ảnh: Lê Anh Dũng)

Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên khi thấy xã hội cứ đổ bừa lên đầu mấy ông Bộ trưởng. Đấy là trạng thái đánh bùn sang ao, là đổ thừa, đấy là khuyết tật của nền văn hoá Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, háo danh, hư danh, thích bằng cấp.

Hôm nay, tôi có một vị khách đến chơi, ông ta viết một quyển sách gọi là "Hành trang vào đời". Ông ta tặng tôi một quyển và tôi vừa mới giở xem mục lục quyển sách. Quả thật quyển sách ấy cũng có nhiều thứ thật, nào là mục ăn uống thế nào, giữ sức khoẻ thế nào, học hành thế nào... Trong lời tựa của quyển sách, ông ấy nói rằng sau thất bại trong việc khai thác 105 hecta đất ở Đồng Nai thì ông mới có thì giờ để viết quyển sách.

Không ai phê phán một người thất bại trong mặt này rồi lại làm mặt kia cả, nhưng hành trang vào đời của thế hệ trẻ là cái cách bày cho nó phải thành đạt chứ không phải là bày để cho nó tồn tại. Nếu bày cách để tồn tại thì chẳng ai bày nó cũng vẫn tồn tại. 

Đừng để "bay lên" theo cách thống kê, thành tích

- Vậy chúng ta sẽ ra khỏi trạng thái đó bằng cách nào, thưa ông?

Soạn: HA 989783 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Bay lên phải thể hiện ở chỗ hàng hoá có sức cạnh tranh; chất lượng, giá trị và hình thức sản phẩm phải đặc biệt so với Trung Quốc. (Ảnh Vietnamgateway).

- Tôi đã viết quyển Cải cách trong đó cải cách giáo dục được xem là cuộc cải cách tạo ra sự đột phá có chất lượng cách mạng của đời sống phát triển Việt Nam. Nếu chúng ta muốn bay lên như là chương trình mà VietNamNet đang làm thì phải hiểu rằng sự bay của Việt Nam là kết quả sự bay của từng con người cụ thể của Việt Nam.

Nếu giáo dục đủ tiên tiến để giúp mỗi người Việt có khả năng, có trí tuệ, có cách thức để bay thì VN mới có thể bay được. Còn nếu không thì chúng ta đành phải bay theo cách thống kê, cách đó là tạo ra thành tích, và thành tích khi đó chỉ là kết quả của sự thống kê thôi.

Sự bay lên phải thể hiện ở chỗ hàng hoá có sức cạnh tranh; chất lượng, giá trị và hình thức sản phẩm phải đặc biệt so với Trung Quốc. Chúng ta chỉ bay nếu có cái nhìn khác, phù hợp với quy mô, kích thước và đặc điểm của VN.

Số phận tạo ra một thực tế là chúng ta sống cạnh nước Trung Hoa. Chúng ta không bắt chước họ bay lên được mà chỉ bắt chước để nhiều nhất là bằng họ nhưng không bằng được. Chúng ta không bắt chước Mỹ được bởi Mỹ xa quá, cao quá, chúng ta muốn bay còn họ thì lơ lửng trên trời từ mấy thế kỷ rồi. Cho nên cần phải cụ thể, chi tiết hơn.

Cần khẳng định hạt nhân của bay lên Việt Nam là giáo dục đào tạo bởi chúng ta có cải cách chính trị đến mấy thì cũng không thể cất cánh được nếu nhân dân vẫn là một nhân dân chậm phát triển về mặt văn hoá, chính trị và học thức. 

Bay lên, chúng ta cần làm bằng cách tạo cho nhân dân có khả năng bay, khả năng ấy được tạo ra bởi giáo dục. Tất nhiên, còn nhiều thứ khác nữa. Chúng ta không thể lấy lịch sử, không thể lấy quá khứ làm thước đo, làm cái huân chương đeo trên ngực.

Tất cả những cuộc cải cách mà tôi đã viết trong cuốn "Cải cách và sự phát triển" chính là điều kiện cơ bản để xã hội Việt Nam bay lên. Nếu không có những điều ấy, đừng có hy vọng, chúng ta sẽ lại quay về với những thành tựu có chất lượng thống kê.

Thiên tài là thứ mà người sở hữu nó là người cuối cùng biết đến nó

 - Mươi năm trlại đây, người ta nói nhiều đến thuật ngữ Head-hunting, nói một cách nôm na là săn tìm người tài, tìm cách lôi kéo những người có năng lực về làm với mình. Là doanh nhân, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này?

- Câu hỏi rất hay. Head-hunting là thuật ngữ chỉ bộ phận tuyển dụng cán bộ, bộ phận nhân sự của tất cả các tập đoàn kinh tế trên thế giới. Nó trở thành thuật ngữ phổ biến trong việc săn tìm nhân tài trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Bộ phận nhân sự của Ngân hàng HSBC họ gọi là Head-hunting Department.

Để trở thành một team leader thì phải có các phẩm hạnh, mà phẩm hạnh quan trọng nhất là sống với mọi người được, tập hợp mọi người được, lao động cùng với mọi người được và chia sẻ cùng với mọi người được.

Suy cho cùng, chúng ta đi làm để làm gì? Quan hệ bản chất giữa người lao động và công ty là tiền lương và sức sáng tạo hay sức lao động của người làm việc, đó là quan hệ trao đổi. Quan hệ ấy không bao giờ được nấp dưới bất kỳ danh nghĩa gì, dưới bất kỳ mỹ từ gì để che đậy bản chất cơ bản của nó. Cho nên, một người lao động muốn được quý trọng, muốn bán sức lao động của mình một cách đắt giá thì người lao động ấy phải là người lao động có giá trị sáng tạo.

Mỗi người lao động hãy chuẩn bị cho mình loại hàng hóa như vậy, loại năng lực như vậy. Không ai cấm các bạn được. Tuy nhiên, tài năng của con người thường được phát hiện bởi người khác.

Trong một quyển sách tôi đã viết "thiên tài là thứ mà người sở hữu nó là người cuối cùng biết đến nó". Cho nên, tôi nghĩ rằng cái mà bạn nghĩ là tài năng của bạn thì chưa chắc là cái tôi cần. Cái tôi cần ở bạn có thể không phải là cái bạn nghĩ.

Cho nên, tài năng của một người lao động là do người đó xác định, người đó chuẩn bị, nhưng giá trị của nó là do người sử dụng lao động phát hiện. Đôi lúc hai cái ấy không trùng nhau, cho nên mới tạo ra một khái niệm thứ ba được gọi là sự may mắn. Bạn cứ sống hồn nhiên, cứ học hành một cách tích cực và thế nào cũng có một ai đó đủ tinh khôn để phát hiện ra cái mà bạn có.

Những người như tôi chẳng hạn, trong cuộc sống không hiếm gì, nếu tôi nói với các bạn rằng những người như tôi hiếm lắm thì có nghĩa là tôi không trung thực. Biết bao con người sống rất thành công mà có cần đến tôi đâu. Biết đâu Thủ tướng phát hiện ra tài năng của bạn thì sao.

Cho nên, bạn cứ mạnh dạn chuẩn bị cho mình, số phận sẽ dẫn bạn đến với một người nào đó có đủ tài hoa để phát hiện ra và biết sử dụng tài năng thật của bạn. Bạn phải tin như thế. Còn nếu như bạn muốn làm cho tôi thì bạn cứ đến và tôi phải nói với các bạn là tôi không bao giờ khắt khe một cách thái quá đối với người lao động xét về phương diện nghề nghiệp cả. Bởi vì năng lực nghề nghiệp khi các bạn ở trường ra là chưa đủ để làm việc cho tôi. Ít nhất phải qua ba năm, tức là phải có ba năm đầu tư vào con người thì người đó mới bắt đầu làm ra các giá trị thương mại.

Phẩm hạnh là giá trị quan trọng nhất

- Vậy dưới góc nhìn của người tuyển dụng, ông sẽ ưu tiên cho những tố chất nào?

- Tôi không khắt khe về chuyên môn, nhưng tôi cực kỳ khắt khe về sự lương thiện. Nếu một người nào đã trót không lương thiện thì không qua mặt tôi được. Tôi không bao giờ tiếp nhận người không lương thiện, nếu cấp dưới của tôi có nhầm lẫn thì tôi cũng tìm cách loại bỏ. Lương thiện là phẩm chất quan trọng nhất để tôi chọn hay không chọn một cán bộ. Nếu có một người được việc nhưng không lương thiện thì người đó không phát triển.

Ở chỗ tôi, tăng lương có nghĩa là tăng địa vị, tức là người đó phải điều khiển được một nhóm lao động, gọi là team leader. Để trở thành một team leader thì phải có các phẩm hạnh, mà phẩm hạnh quan trọng nhất là sống với mọi người được, tập hợp mọi người được, lao động cùng với mọi người được và chia sẻ cùng với mọi người được. Đối với phẩm hạnh tôi rất khắt khe. Còn khả năng thì tôi phải nói rõ là tôi buộc phải đào tạo, buộc phải cung cấp các điều kiện.

Tôi không khắt khe về chuyên môn mà tôi khắt khe về phẩm hạnh vì tôi biết ai đi xa được, ai không đi xa được. Tất cả những người mà tôi đã từng đề bạt lên Giám đốc, Phó Giám đốc... khi họ không còn làm việc cho tôi nữa họ giữ địa vị rất cao trong đời sống kinh tế của đất nước.

Trợ lý của tôi trước kia bây giờ là Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, có người từng giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn, có cả những luật sư tốt nghiệp ở đây ra bây giờ làm việc cho Baker & McKenzie, White & Case... Tôi không giữ khi họ có đủ tài năng để có thể tìm kiếm những chân trời rộng hơn tôi, tôi luôn luôn trân trọng điều ấy. Tôi không phải là người ích kỷ tìm cách để giữ cán bộ trong vòng tay của mình, mặc dù vòng tay của mình đã bắt đầu hẹp và ngắn so với kích thước thật của họ. Vì thế, người của tôi rất có uy tín trong thị trường lao động Việt Nam.

Chuyên môn không phải là tất cả sự hấp dẫn của con người. Giá trị văn hoá, hiểu biết văn hoá, sự duyên dáng trong hành vi cũng như ứng xử của các bạn chiếm vào khoảng 50% giá trị thương mại của các bạn. Trình độ chuyên môn chỉ có giá trị khoảng 15% khi các bạn tìm công việc thôi.

Sức hấp dẫn của các bạn, sự duyên dáng của các bạn, tính chín chắn của các bạn, lòng tốt của các bạn là những đại lượng có giá trị thương mại đối với người lao động thực sự. Đấy là lời khuyên của một người đã có kinh nghiệm dày dặn trong đời sống thị trường Việt Nam, mà không phải chỉ Việt Nam, tôi còn là người có kinh nghiệm về thị trường lao động có lẽ trong phạm vi cả những nền kinh tế phát triển trên thế giới.

  • Hải Lan (Thực hiện)

Ý kiến của bạn:

,
,