,
221
6881
Bay len VietNam
baylenvietnam
/baylenvietnam/
895350
Chuyện về sử dụng trí thức
1
Article
null
,

Chuyện về sử dụng trí thức

Cập nhật lúc 13:29, Thứ Bảy, 03/02/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Khi khả năng và trí tuệ của mình được phát huy cao nhất, thì dù làm việc ở đâu, chúng ta vẫn đóng góp sức mình cho đất nước. Bên cạnh công việc thường nhật, người trí thức vẫn có thể tham gia quản lý nhà nước thông qua việc đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện lại chính sách công được dự kiến ban hành". Ý kiến của một bạn trẻ tham gia diễn đàn trí thức.

"Từ câu chuyện lựa chọn của tôi"...

Niềm vui ngày tốt nghiệp. Ảnh VNN

Tốt nghiệp ĐH loại giỏi, với "thâm niên" hoạt động phong trào và nghiên cứu khoa học, tôi được chuyển tiếp lên cao học. Ấp ủ bao dự định, tôi gặp lãnh đạo khoa bày tỏ nguyện vọng xin được ở lại làm việc tại trường để có điều kiện tốt nhất cho học tập và nghiên cứu khoa học. Thầy chỉ cười: "Chủ trương của khoa chỉ tiếp nhận Thạc sỹ trở lên, em cứ tập trung học cao học xong đã".

Ít ngày sau, tôi thấy có điều gì không ổn khi một số bạn cùng khoá chỉ tốt nghiệp loại khá cũng được nhận vào làm việc tại khoa. Gặp Thầy, tôi không dám nhìn thẳng vì cảm giác có lỗi khi đang có ý nghĩ không tốt về người đã dạy dỗ mình.

Nộp hồ sơ thi tuyển công chức tại một cơ quan Trung ương, hai ngày trước khi thi tuyển, tôi nhận được văn bản yêu cầu bổ sung chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Khi tôi hỏi trong chương trình thi tuyển đã có hai môn đó, sao còn cần chứng chỉ? Vẫn chăm chú cúi đầu vào tờ báo, cô chuyên viên phòng tổ chức trả lời: "Quy định thế". Tôi bị loại ở vòng sơ tuyển.

Tiếp tục nộp hồ sơ vào một doanh nghiệp nhà nước mới thành lập theo thông tin tuyển dụng trên báo, tôi chỉ nhận được một lá thư trả lời lịch sự: "Cảm ơn bạn đã quan tâm tới vị trí tuyển dụng của công ty chúng tôi. Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao khả năng của bạn. Chúng tôi mong sẽ được hợp tác với bạn trong một dịp khác".

Không còn mặn mà với môi trường nhà nước, tôi vào làm việc tại một công ty cổ phần của ngành đường sắt. Trong môi trường mới, tôi có dịp thỏa sức phát huy những kiến thức mình đã học. Đầu năm 2005, tôi được bầu làm uỷ viên thường trực hội đồng quản trị công ty khi vừa bước qua tuổi 26 và là uỷ viên hội đồng quản trị trẻ nhất ngành đường sắt. Đến nay, tôi đang chịu trách nhiệm về công tác tổ chức cán bộ - lao động của công ty đồng thời kiêm nhiệm chức danh giám đốc một công ty trực thuộc.

Thời gian rảnh rỗi, tôi cũng tập tọng viết bài, chủ yếu bàn về chính sách công... Nhiều vấn đề nêu ra trong các bài viết đó, cùng với ý kiến của nhiều trí thức khác, trong chừng mực nhất định đã được các cơ quan nhà nước tiếp nhận. Chính điều đó đã làm bầu nhiệt huyết trong tôi sục sôi trở lại.

Nghĩ về tư duy tìm việc của người trẻ

Từ câu chuyện bản thân, nghe tâm sự của những người đồng trang lứa và nhìn vào hiện thực xã hội, tôi có vài suy nghĩ mong được chia sẻ.

Cách đây ít lâu, khi đăng đàn tại QH, người đứng đầu ngành toà án cho rằng: vì thiếu người có trình độ nên phải “vơ vét” để bổ nhiệm thẩm phán.

Khoan hãy bàn đến cách diễn đạt của vị quan chức nọ, chỉ biết nội dung của bài phát biểu cho thấy ngành toà án nói riêng, các cơ quan nhà nước nói chung, thừa biên chế mà vẫn thiếu người làm được việc. Nghịch lý ở chỗ: trong khi các cơ quan nhà nước đang kêu thiếu người có trình độ, có nhiều sai phạm do cán bộ “năng lực hạn chế”, thì những trí thức có trình độ và tâm huyết lại đang phải tìm việc ở khu vực dân doanh, thậm chí chấp nhận làm việc trái nghề để kiếm sống. Vì sao nhu cầu sử dụng của các cơ quan nhà nước và mong muốn tìm việc của trí thức chưa gặp được nhau? Vẫn nghe đâu đó câu chuyện về việc xin vào cơ quan này, đơn vị nọ hết bao nhiêu tiền; vẫn nghe đâu đó câu chuyện con ông nọ, bà kia “học như chơi” nhưng chưa ra trường đã có nơi “xin” tiếp nhận. Dường như chúng ta đang thiếu một chế độ tuyển dụng công khai, minh bạch để trí thức “rộng cửa” khi muốn trở thành “người nhà nước”.

Sáu năm sau khi tốt nghiệp, có dịp ngồi với nhau, nhắc lại những ước mơ ngày còn ngồi ở giảng đường, thấy khuôn mặt ai cũng trở nên tư lự. Mấy anh bạn “may mắn” được vào làm ở cơ quan nhà nước cười buồn: "không quên nhưng bất lực". Có anh kể, khi mới vào làm thì cũng hăng hái lắm. Sau vài lần thuyết trình ý tưởng mới, “sếp” gật gù: tốt lắm, cứ thế phát huy, nhưng vừa ngoảnh mặt đi đã nghe tiếng lầm bầm “trứng khôn hơn vịt”. Để khỏi mang tiếng “không có tinh thần đồng đội”, thôi thì đành sáng “uống chè, đọc báo”, chiều lại “đọc báo, uống chè” như mọi người và những ước mơ trở thành ký ức lúc nào không hay biết. Rõ ràng, không phải cơ quan nhà nước nào cũng là vườn ươm cho những ước mơ, hoài bão. Không ít trí thức về các địa phương theo chính sách thu hút nhân tài được một thời gian lại phải ra đi. Thế nên, sử dụng trí thức không chỉ là kêu gọi họ về, giao cho họ một công việc, ban cho họ một chức danh, mà phải tạo được môi trường lành mạnh để họ phát huy và thi thố tài năng.

Nghe chuyện của bạn, tôi thấy mình may mắn. Tôi gặp được người lãnh đạo biết quý trọng cái tài và có một môi trường cạnh tranh bình đẳng để vươn lên. Nhưng ngẫm lại, suy cho cùng, cách nghĩ của tôi cũng không hơn những người bạn đồng khoá là bao. Tôi bước ra khu vực dân doanh chẳng qua không muốn “đi cửa sau” để trở thành “người nhà nước”!

Lứa chúng tôi và cả những bạn trẻ đang ngồi trên giảng đường, đa số vẫn nghĩ rằng chỉ vào làm ở cơ quan nhà nước mới có công việc ổn định. Chúng ta không nhận ra rằng, sau hơn hai mươi năm đổi mới, với sự ra đời của hàng vạn doanh nghiệp, trong đó không ít những công ty cổ phần có số vốn tới hàng chục nghìn tỷ đồng, khu vực kinh tế dân doanh ngày càng trở nên quan trọng và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu tổng thu nhập quốc dân. Thiết nghĩ, khi khả năng và trí tuệ của mình được phát huy cao nhất, thì dù làm việc ở đâu, khu vực nhà nước hay dân doanh, chúng ta vẫn đóng góp sức mình cho công cuộc dựng xây đất nước. Bên cạnh công việc thường nhật, người trí thức vẫn có thể tham gia quản lý nhà nước thông qua việc đóng góp ý kiến, thậm chí phản biện lại chính sách công được dự kiến ban hành.

Kết thúc bài viết này, tôi xin chia sẻ quan điểm của PGS. TS. Chu Hảo: “Không ai nâng cao vai trò của trí thức nếu giới trí thức của chúng ta không tự khẳng định được mình!”. Môi trường nhà nước chưa thực sự bình đẳng cho người trí thức vươn lên. Nhưng bản thân mỗi người trí thức cũng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Người trí thức nào vẫn còn xem nhẹ khu vực dân doanh thì người đó chưa sẵn sàng ra biển lớn.

  • Bùi Văn Kiên

    Ý kiến của bạn:

,
,