221
450
Bạn đọc
bandocviet
/bandocviet/
1306198
Giai thoại tình yêu nơi "thiên đường" trại giam
1
Article
null
Giai thoại tình yêu nơi 'thiên đường' trại giam
,

- Trong trại giam có một căn phòng mang tên “Phòng hạnh phúc”, là nơi những phạm nhân có ý thức cải tạo được gặp vợ, gặp chồng mỗi tháng một lần. Ở nơi đó họ được sống trong những yêu thương vợ chồng, nơi tiếp thêm cho họ ý chí và lòng dũng cảm để vượt qua những năm tháng lao tù đầy mệt mỏi. Ở nơi đó, khoảng cách của sự ly biệt được rút ngắn lại, Ở nơi đó, nhiều cuộc hôn nhân rạn vỡ đã được hằn gắn, nảy những lộc tình yêu mới.

Nhiều phạm nhân trong trại giam Quyết Tiến (Huyện Sơn Dương – Tuyên Quang) vẫn nói về phòng hạnh phúc như là một sự ân xá mà họ may mắn được hưởng. Với tất cả họ, dù có người hạnh phúc và không hạnh phúc, người có vợ chồng và không vợ chồng, thậm chí là người chưa một lần may mắn bước chân vào căn phòng đó, họ đều coi đó là “thiên đường” trong trại giam.

Mô tả ảnh.
Những ngày bắt đầu xây dựng, phòng hạnh phúc là đề tài được bàn tán sôi nổi. Ảnh minh họa.

Cán bộ trại giam Quyết Tiến bảo với tôi rằng, ba căn phòng hạnh phúc của trại Quyết Tiến chỉ mới được xây cách đây mấy năm. Nhưng nhiều câu chuyện xảy ra xung quanh nó đã trở thành giai thoại của trại.

Những ngày bắt đầu xây dựng, phòng hạnh phúc là đề tài được bàn tán sôi nổi nhất của tất cả các phạm nhân, dù trong số họ, không phải ai cũng may mắn giữ được một mái ấm gia đình trọn vẹn. Nhưng việc xuất hiện một căn phòng, nơi duy nhất họ có thể gặp gỡ vợ chồng, nơi có thể hàn huyên, chia sẻ những tâm tư thầm kín, khiến bất cứ phạm nhân nào cũng cảm thấy hào hứng.

Tiêu chuẩn để phạm nhân có cơ hội gặp vợ/chồng tại buồng hạnh phúc là phải có 6 tháng liên tiếp cải tạo khá, không vi phạm kỷ luật trại. Một vi phạm nhỏ cũng đồng nghĩa với việc không có cơ hội bước vào phòng hạnh phúc trong 6 tháng tiếp theo. Không khó để hiểu lý do vì sao, ngoài mong ước sớm được tự do và trở về với xã hội, thì việc được gặp gỡ vợ/chồng trong phòng hạnh phúc là động lực lớn nhất khiến nhiều phạm nhân tích cực cải tạo.

Một tháng có một “ngày vợ chồng”

Trại Quyết Tiến là nơi giam giữ các phạm nhân thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, vì thế phạm nhân dân tộc ở đây thường chiếm trên 30% tổng số phạm nhân cả trại. Nhưng vì kinh tế của đồng bào dân tộc ở miền núi còn khó khăn, nên chuyện các phạm nhân dân tộc ở tù cả chục năm mà gia đình không hề đến thăm nuôi cũng là chuyện bình thường.

Chính vì thế trường hợp của Giàng Seo L. được cán bộ trại rất nhớ. Giàng Seo L. là người Mông sống ở huyện vùng cao Đồng Văn của tỉnh Hà Giang. Lấy vợ từ năm 16 tuổi, đến năm 28 tuổi thì hai vợ chồng Giàng Seo L. đã có với nhau 4 mặt con. Seo L. vẫn tâm sự với cán bộ trại về nguyên nhân khiến mình rơi vào cảnh tù tội: “Đẻ đứa con thứ 4 xong thì vợ mình ốm, cúng ma mãi không khỏi, mọi người bảo phải đưa đi bệnh viện để bác sĩ bắt ma đi cho.

Mô tả ảnh.
Vì không đủ tiền đưa vợ đi viện nên nhiều người đã xách thuê thuốc phiện. Ảnh minh họa.

Nhưng đi viện thì phải có tiền. Nhà mình nghèo lắm, chỉ đủ ăn là may rồi, không lấy đâu ra tiền để trả cho bác sĩ. Mình thương vợ quá, nên khi có người nhờ đi xách thuê thuốc phiện, hứa sẽ cho tiền chữa bệnh cho vợ, thì mình phải đồng ý thôi. Chưa lấy được tiền về đưa vợ xuống bệnh viện thì mình đã bị công an bắt mất rồi. Mình đi tù gần 10 năm, vợ mình ở nhà khổ lắm. Vừa phải làm nương kiếm tiền nuôi con, vừa phải thỉnh thoảng xuống đây thăm mình. Chỉ có mấy năm mà nó già hẳn đi”.

Phạm nhân này là một trong hiếm hoi những phạm nhân người Mông ở đây được gia đình đến thăm nuôi một năm đôi lần. Gia đình Giàng Seo L. cũng không khá giả, mỗi lần đi thăm nuôi chỉ mang được vài mớ rau cải, mấy cân khoai tây, rồi chút thịt trâu khô để gác bếp. Nhưng ông bố của Seo L. kể: “Con vợ nó thương nó lắm. Từ hồi nó đi tù, đêm nào vợ nó cũng khóc.

Một năm mà không cho nó xuống thăm chồng hai lần, thì nó sẽ chẳng chịu ăn uống gì rồi khóc cho đến chết. Thương con trai, thương con dâu, nên mỗi lần đi gia đình ta phải bán mấy tạ ngô, tạ thóc để lấy tiền đi đường. Con dâu không biết tiếng Kinh, nên lần nào ta cũng phải đi theo. Chứ một mình nó đi thì chắc lạc giữa đường mất thôi, chẳng tìm được đường đến trại thăm chồng, cũng chẳng biết đường đi về nhà”.

Khi trại giam Quyết Tiến có phòng hạnh phúc, vợ chồng Giàng Seo L. mừng lắm. Seo L. bảo: “Gần 10 năm rồi không được ôm vợ, nhớ hơi vợ lắm, cán bộ ạ”. Nhưng nội quy của trại là chỉ vợ chồng mới được gặp nhau ở buồng hạnh phúc. Chính vì thế người vợ nào đến thăm chồng, muốn xin gặp chồng ở buồng hạnh phúc đều phải mang theo đăng kí kết hôn.

Hai vợ chồng Giàng Seo L. không có đăng kí kết hôn, nên đến khi bị cán bộ hỏi, vợ Seo L. ngơ ngác nói: “Hai vợ chồng mình sống ở vùng sâu, yêu nhau, thích nhau thì đến với nhau thôi, không biết phải ra ủy ban để đăng kí kết hôn đâu. Nhưng mình đúng là vợ của chồng mình thật mà”. Là phụ nữ, xa chồng đã lâu, chị chờ đợi cái phút được gặp riêng chồng trong phòng hạnh phúc từ lúc nghe chồng thông báo nó mới bắt đầu được xây dựng, chính vì thế, nghe cán bộ trại bảo không có đăng kí kết hôn thì trại không giải quyết cho vợ chồng được, chị òa khóc.

Ông bố chồng gần 70 tuổi, thấy con dâu khóc nức nở, thương con quá, mới đến “nói cái lý” với cán bộ trại: “Ta là bố của con trai ta, ta công nhận đây là con dâu ta mà. Con ma nhà ta cũng công nhận nó là con dâu rồi. Vợ chồng con trai ta có 4 đứa con. Đứa đầu đã đi lấy vợ rồi. Lẽ nào chúng nó không phải là vợ chồng”. Lần đầu tiên gặp tình huống này, cán bộ trại rất đau đầu. Đành rằng ai cũng biết họ là vợ chồng nhưng không ai dám vi phạm nội quy trại giam, dẫu vậy tất cả đều thương tình cảnh cặp vợ chồng người Mông này. Cuối cùng cán bộ trại đã nghĩ ra một hướng giải quyết linh động, hợp tình hợp lý. Sau khi kiểm tra trong hồ sơ phạm nhân của Giàng Seo L., thấy có xác nhận vợ L. tên là Giàng Thị Lý, trại đã trại giải quyết cho hai vợ chồng phạm nhân Giàng Seo L. gặp nhau.

Sau cái lần được gặp chồng ở phòng hạnh phúc, Giàng Thị Lý vui vẻ hẳn lên, chị đòi đi thăm chồng nhiều hơn, lần nào cũng phải nhờ ông bố chồng đi cùng làm người “phiên dịch”. Thấy như thế mãi cũng bất tiện, chị học tiếng Kinh để có thể tự đi một mình.

Nói được thành thạo tiếng Kinh rồi, thì chị nhờ bà con, họ hàng xin cho được việc rửa bát, phục vụ trong một quán ăn ở Tuyên Quang. Chị bảo con cái lớn rồi, chúng nó tự lo được. Chị xuống Tuyên Quang làm để tiện thăm nuôi chồng. Từ đó đến nay, đều đặn ngày 27 hàng tháng, chị lại vào xin được gặp riêng chồng ở phòng hạnh phúc. Cán bộ trại mỗi lần thấy Giàng Thị Lý đến đều trêu: “Ngày 27 là ngày của hai vợ chồng chị mất rồi”.

Nhờ tình yêu của vợ mà Giàng Seo L tích cực cải tạo để mong được đoàn tụ cùng gia đình. "Phòng hạnh phúc" đã trở thành thiên đường cho các cặp vợ chồng xa cách.

  • Lan Hương
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,