221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1182852
Tăng giá điện: Chủ nhà trọ "tát nước theo mưa"
1
Article
null
Tăng giá điện: Chủ nhà trọ 'tát nước theo mưa'
,

 - Mới nghe thông tin về việc tăng giá điện, rất nhiều chủ nhà trọ tại khu vực Nhổn và Diễn đều bảo nhau tăng giá điện, nước. Tại đây, các chủ nhà đã thiết lập mặt bằng giá mới: điện từ 2.500 đồng/số lên 3.000 đồng/số và nước từ 30.000 đồng/người/ tháng lên 40.000 đồng/người/tháng. Cá biệt, có nhiều nhà còn tăng tiền điện lên 3.500- 4.000 đồng/số điện. Nhận được phản ánh của nhiều sinh viên trọ tại đây, chúng tôi đã tới tận nơi để tìm hiểu thực hư vấn đề.


Bể lọc nước thì hoan gỉ, nước kém chất lượng nhưng vẫn tăng giá!

 

Hùa nhau cùng tăng giá


Nhổn, Diễn được mệnh danh là thị trấn của các trường đại học, CĐ, TCCN nên lượng sinh viên tập trung tại đây đông hơn so với nhiều khu vực nội thị. Do địa điểm xa trung tâm nên tiền thuê trọ ở đây khá rẻ, trung bình 300-400 nghìn/phòng/tháng. Tuy vậy, chủ các nhà trọ ở đây lại thu tiền điện, nước đắt hơn so với một số nơi.


Khi chưa tăng giá điện thì sinh viên ở khu vực này đã chịu giá đắt hơn sinh viên ở khu vực trong thành phố. Bình thường họ đã phải trả cho chủ nhà 2.500 đồng/số điện, còn hơn một tháng nay thì giá tăng lên 3.000 đồng/số. Trong khi ở trung tâm thì tiền điện mới chỉ giữ mức 2.500 đồng/ số.

 

Khi một nhà tăng giá điện thì kéo theo nhiều nhà khác cũng tăng theo. Nguyễn Thị Liễu trọ tại thôn Tu Hoàng - Xuân Phương - Từ Liêm bức xúc: “Lúc trước là 2.500 đồng/số thế là đã tăng hơn 20% so với các nơi rồi. Nhà nước tăng một kiểu, chủ nhà tăng một kiểu. Ở đây, chúng tôi đã tăng 6 lần rồi. Lần đầu tăng từ 700-1.000 đồng/số, lần 2 tăng từ 1.000 đồng lên 1.100 đồng/ số, lần 3 từ 1.100-1.500 đồng/số... Bây giờ thì đã leo lên 3.000 đồng/ số”.

 

Liễu là sinh viên khoa CNTT, Trường Cao đẳng Thành Đô đóng trên địa phận Nhổn. Hơn 4 năm trọ học thì cô phải chuyển nhà hơn chục lần vì tiền điện và nước ở đây thay đổi theo mùa. Nhà chủ chỉ chực chờ xem có thông báo mới gì là họ nhanh chân tăng trước. Không chỉ điện tăng mà giá nhà, giá nước cũng tăng theo. Theo Liễu cho hay thì giá nhà sẽ tăng từ 100 -200 nghìn còn giá nước tăng lên 40.000 đồng/người/tháng. Nước tại đây hầu hết là dùng giếng khoan tự chế của người dân.


Bên cạnh khu trọ của Liễu có Hoàng Quốc Mạnh, sinh viên Trường Đại học Công nghiệp cũng chung số phận như Liễu nhưng Mạnh có vẻ chịu đựng: “Đã ở kiếp trọ học thì đành chịu vậy thôi chứ biết làm sao được. Bây giờ chắc phải đem một cái máy tính về nhà thôi, nhà có ba cái máy thì chỉ chết tiền điện. May mà ở đây chỉ tăng lên 3.000 đồng/số đấy chứ bên Kiều Mai (xã Phú Diễn) chỗ bạn em còn tăng lên 3.500 đồng - 4.000 đồng/số”.


Theo sự gợi ý của Mạnh, chúng tôi đã đến thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn nhưng hầu hết ở đây chủ nhà mới chỉ dám tăng lên 3.000 đồng/số. Theo nhiều ý kiến thì các hộ kinh doanh nhà trọ có rục rịch tăng giá lên 3.500 đồng - 4.000 đồng/số nhưng chưa biết khi nào. Song các bạn trẻ vẫn bức xúc vì giá điện như thế này (3.000 đồng/số) vẫn là cao so với mức tăng giá của Nhà nước.

 

Bạn Phạm Thị Hương - SV năm 3 khoa Văn Trường ĐHSP HN uất ức: “Không ai có quyền kiểm tra số điện nên tháng nào chúng tôi cũng phải è cổ ra mà gánh tiền. Không hiểu sao nhà có mỗi cái đèn tuýp, một cái nồi cơm điện mà tháng nào tháng nấy cũng mất ngót nghét 100 nghìn. Bây giờ tăng thì lại "ốm đòn" thôi”.
 

Theo sinh viên ở đây phản ánh thì cứ một nhà tăng giá là cả xóm, cả thôn lại tăng. Sinh viên có chạy đằng trời cũng không thoát. Nhiều bạn bức xúc, chây ì không chịu nộp tiền và rủ mọi người cùng làm như vậy nên cũng hạn chế bớt được việc tăng giá. Như trường hợp Liễu là một điển hình. Liễu kể: “Lẽ ra là tăng tiền từ lâu rồi nhưng chúng tôi cứ đình công nên chủ nhà không dám tăng. Nhưng tình hình không mấy khả quan nữa vì tất cả các ông bà chủ đều đang liên kết với nhau “vặt lông sinh viên”. Liễu thoáng buồn vì kế hoạch “đình công” phản đối của cô có thể sẽ vô hiệu lực trong tháng tới.


Giá tăng, chất lượng đã tăng?


Chuyện tăng giá trong dịch vụ thuê trọ không còn điều lạ lùng trong cuộc sống của sinh viên nhưng điều họ thấy khó chấp nhận nhất là giá tăng nhưng chất lượng chưa hề tăng. Điện tăng giá mà chạy chập chờn, nhiều lúc cháy nguồn máy tính hay chuyện các phòng vẫn còn tồi tàn dột nát là chuyện vẫn thường xảy ra. Đặc biệt ý kiến phản ánh mạnh mẽ nhất vẫn là vấn đề nước bẩn trong các khu nhà trọ.


Nước giếng xanh lè

 

Tại một khu trọ ở thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm. Cả dãy trọ hơn chục phòng mà chỉ có một chiếc xô nhựa dùng để lọc nước. Các bể chứa nước thường là nơi tung hoành của bọ gậy hay các loại vi khuẩn sống trong nước có thể thành muỗi. Những bể chứa như vậy còn khá, còn có những bể nước xanh lè lè hoặc váng đỏ, vậy mà sinh viên vẫn phải dùng với giá của người dùng nước máy, thậm chí là đắt hơn.

 

Nguyễn Thị Thủy, năm thứ ba khoa Kinh tế Đối ngoại, ĐH Thương mại bộc bạch: “Không phải chỉ có Kiều Mai có nước như vậy mà khu này chỗ nào cũng thế thôi. Nước xanh như thế này không biết có chứa độc tố gì không, vậy mà chúng tôi đã chung sống mấy năm rồi”. Năm thứ nhất, Thủy còn cùng bạn trong phòng đun nước uống cho tiết kiệm nhưng khi bố mẹ cô lên thăm thấy cảnh nước mất vệ sinh như vậy nên đã bắt Thủy mua nước đóng chai để uống. Nhiều sinh viên trọ học ở Nhổn, Diễn đã chọn cách mua nước đóng chai về dùng thay vì dùng nước giếng khoan để uống và nấu nướng.


Còn Nguyễn Văn Cường trọ ở Thông Đình Quán thì hồn nhiên bảo: “Tớ không dùng nước này để gội đầu đâu, nhịn một tí bỏ tiền ra quán có khi còn tốt hơn gội ở nhà”. Cường kể, có lần vào nhà tắm vừa xả nước mà bủn rủn hết cả người, nước thì trong nhưng nhầy nhầy, lại có cả đống bọ gậy tung tăng bơi lội. Chủ nhà cứ hô hào tăng giá nhưng chất lượng thì ì ạch giữ nguyên và có khi còn xuống cấp.

 

Trên thực tế, giếng khoan tại mỗi khu trọ thường không được xây dựng một bộ lọc tử tế vì các chủ nhà có dùng đâu mà họ biết sinh viên đã phải khổ sở như thế nào. Nước vẩn váng các chất trong lòng đất nổi phều phều trong mỗi bể lọc thủ công. Hàng tháng, chủ nhà cứ đến thu tiền mà không cần phải xem xét tình trạng nước của người trọ ra sao.

 

Phan Phương Thúy - sinh viên năm 4, ĐH Công nghiệp bức xúc: “Cứ nghe trên mạng nói về nước giếng khoan nhiễm bẩn là mình lại lo. Nhưng góp ý với chủ nhà thì họ ngãng ra. Mình chỉ cần chủ nhà xem lại các bể lọc thôi mà họ cũng không thèm để ý. Có khi mình phải bảo cả xóm trọ vùng lên mới được”.


Nắm bắt được tâm lý ưa ổn định nhà trọ của sinh viên nên nhiều chủ nhà cứ đua nhau tăng giá các dịch vụ điện, nước rồi cả giá thuê nhà, còn sinh viên thì kêu cũng vậy nên đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Sống trong cảnh điều kiện điện nước không được đảm bảo và lúc nào cũng lơ lửng trên đầu hai chữ “tăng giá” đang làm đời sống của rất nhiều sinh viên trọ học tại khu vực này thêm khó khăn.


  • Thu Hà - Như Quỳnh
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,