221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1176636
“Một cửa” nhưng quá nhiều thủ tục
1
Article
null
“Một cửa” nhưng quá nhiều thủ tục
,

 - Văn phòng một cửa để tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của nhân dân ở các cơ quan Nhà nước là một bước tiến bộ trong cải cách hành chính. Nhưng tại không ít nơi, “một cửa” chỉ là hình thức.

 

Ai đã một lần đến các văn phòng một cửa ở những nơi này mới thấy hết những bức xúc của người dân khi tiếp cận các dịch vụ hành chính của cơ quan Nhà nước. Để “nói có sách, mách có chứng”, tôi xin dẫn ra đây một phần bản hướng dẫn hồ sơ thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà văn phòng một cửa huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội đã phát cho dân:

 

“Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ký xong hợp đồng chuyển nhượng, các bên chuẩn bị hồ sơ chuyển nhượng, đến liên hệ với văn phòng đăng ký đất và nhà huyện Từ Liêm nộp và làm thủ tục kê khai nộp thuế. Hồ sơ gồm:

 

1. 01 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ).

 

2. 04 bản công chứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

3. 01 bản gốc, 01 bản photo hợp đồng chuyển nhượng, bản lưu tại cơ quan địa chính.

 

4. 01 bản gốc, 01 bản photo hợp đồng chuyển nhượng, bản lưu tại cơ quan thuế.

 

5. 02 bản chứng thực chứng minh thư, hộ khẩu của bên chuyển nhượng.

 

6. 02 bản chứng thực chứng minh thư, hộ khẩu của bên nhận chuyển nhượng.

 

7. 02 tờ khai lệ phí trước bạ, 02 tờ khai thuế chuyển quyền sử dụng đất.

 

8. Nếu người bán một mình ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng thì phải có 01 giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

 

9. Nếu một trong hai bên hoặc cả hai bên thực hiện việc chuyển nhượng thông qua hợp đồng uỷ quyền thì phải nộp bổ sung: 01 bản gốc, 01 bản photo hợp đồng ủy quyền tại công chứng Nhà nước, 02 bản công chứng hộ khẩu, chứng minh thư của người được uỷ quyền.

 

10. Nếu người nhận chuyển nhượng không có hộ khẩu tại Hà Nội thì nộp bổ sung các giấy tờ sau: 02 bản công chứng hộ khẩu thường trú của bên nhận chuyển nhượng, 02 bản công chứng sổ BHXH đóng tại Hà Nội 03 năm liên tục kể từ ngày làm BHXH. 02 bản công chứng hợp đồng lao động còn thời hạn hoặc đăng ký tạm trú còn thời hạn hoặc 02 bản chính xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hiện đang tạm trú tại Hà Nội. 02 bản chính xác nhận của công ty đang tiếp tục công tác và tham gia đóng BHXH tại Hà Nội từ ngày… tháng… năm… đến nay.

 

11. Nếu người nhận chuyển nhượng không có hộ khẩu tại Hà Nội là công an, bộ đội đóng quân trên địa bàn TP. Hà Nội thì nộp bổ sung 02 bản chính xác nhận của đơn vị nơi đang công tác, sau đó xin xác nhận của UBND xã, phường nơi đơn vị đóng quân.”

 

Một cửa nhưng quá nhiều loại giấy tờ khiến người dân nản lòng. (Ảnh: VNN)
Theo bản hướng dẫn này, người nào ít nhất cũng phải chuẩn bị 12 loại giấy tờ với 21 bản khác nhau, người nhiều nhất phải có 17 loại giấy tờ với 31 bản. Vì thế, khi nhận được bản hướng dẫn trên, những người trẻ tuổi ngán ngẩm, lắc đầu, buông lời ca thán: “Một cửa nhưng quá nhiều thủ tục”.

 

Những người già cả, văn hóa thấp thì lo lắng, hốt hoảng tìm người am hiểu hướng dẫn, chỉ vẽ để có đủ các giấy tờ theo quy định.

 

Người viết bài này đem bản hướng dẫn của văn phòng một cửa huyện Từ Liêm trao đổi với khá đông người và đều nhận được những ý kiến đóng góp chân thành, bức xúc về việc giải quyết chuyển nhượng quyền sử dụng đất của huyện Từ Liêm nói riêng và Hà Nội nói chung còn quá nhiều thủ tục giấy tờ phiền hà, chồng chéo.

 

Thứ nhất, tất cả các loại giấy tờ trong hướng dẫn người dân đã phải trình tại phòng công chứng để lập hợp đồng chuyển nhượng. Các công chứng viên đã kiểm soát, xác nhận tính hợp pháp và ký chứng nhận vào hợp đồng chuyển nhượng, chịu trách nhiện trước pháp luật về những thông tin đó.

 

Văn phòng một cửa vừa yêu cầu nộp hợp đồng chuyển nhượng, vừa bắt nộp kèm theo tất cả các văn bản đã được phòng công chứng kiểm soát. Làm như thế chẳng những làm người dân phải trình thêm một lần nữa mà còn làm giảm vai trò pháp lý của phòng công chứng. Theo cách làm này, hợp đồng chuyển nhượng có chứng nhận của phòng công chứng chỉ thêm lên một thủ tục chứ không bớt cho người dân một thứ giấy tờ nào cả.

 

Thứ hai, thay vì kiểm soát trực tiếp các giấy tờ gốc, văn phòng một cửa yêu cầu người dân nộp quá nhiều bản sao có công chứng khiến người dân phải chạy đôn, chạy đáo photo, công chứng, lãng phí thời gian, sức lực, tiền của. Photo nhiều bản gây phiền hà cho dân đã đành mà cũng chẳng giảm thời gian kiểm tra đối chiếu của cán bộ thậm chí còn làm tốn kém công sức, phương tiện của các cơ quan liên quan trong lưu giữ các bản photo.

 

Xét cả về mặt pháp lý và thực tiễn, chúng tôi đề nghị:

 

Thứ nhất, tôn trọng và phát huy cao độ vai trò của các phòng công chứng theo quy định của pháp luật. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa văn phòng một cửa với các phòng công chứng để tất cả các quy định của Nhà nước và quy định hợp pháp của địa phương được thực hiện đầy đủ trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Các giấy tờ, thủ tục mà phòng công chứng đã kiểm soát, người dân không phải nộp lại một lần nữa cho văn phòng một cửa.

 

Thứ hai, khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, người dân chỉ cần nộp cho văn phòng một cửa hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất 4 loại giấy tờ sau:

 

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ)

- Hai bản hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chứng nhận của phòng công chứng để chuyển cho cơ quan địa chính và cơ quan thuế.

- Tờ khai thuế chuyển quyền sử dụng đất (những người thuộc đối tượng miễn giảm thuế thì nộp giấy tờ xin miễn giảm).

- Tờ khai lệ phí trước bạ.

 

Khi kiểm soát nhân thân của người đến làm thủ tục tại văn phòng một cửa, cán bộ tiếp dân kiểm tra trực tiếp chứng minh thư của người đó. Nếu không phải người chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng thì phải xuất trình giấy ủy quyền. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tiến tới bỏ tờ khai thuế chuyển quyền và tờ khai lệ phí trước bạ. Cơ quan thuế căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các giấy tờ xin miễn giảm ra thông báo thuế.

 

Thứ ba, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa công tác quản lý hồ sơ đất và văn phòng một cửa để cán bộ tiếp dân thuận lợi trong tra cứu, nhân bản các dữ liệu phục vụ việc giải quyết các yêu cầu của dân.

 

Chúng ta đang thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thiết nghĩ các cơ quan công quyền nên coi trọng hơn việc cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân.

  • Đức Thiện

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,