221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1134533
Việt Nam đang giáo dục... ngược?
1
Article
null
Việt Nam đang giáo dục... ngược?
,

 - Điều nhân loại cần để xem xét một con người văn minh, trước hết là sự vượt trước về tri thức chứ không phải so sánh ai sống lâu hơn hay ai đủ tuổi, ai có “nhiều năm công tác” hơn. Nhưng chính sách giáo dục, chế độ tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài của chúng ta lại như vậy.

(Bài tham gia diễn đàn Cùng VietNamNet góp ý chấn hưng giáo dục Việt Nam)

Mục đích của giáo dục là đào tạo ra những chủ nhân tương lai – những người nắm vững, biết vận dụng và luôn chủ động, sáng tạo, làm giàu thêm kho tàng tri thức nhân loại rồi hiện thực hóa thành của cải vật chất cũng như tinh thần dồi dào cho bản thân, gia đình và xã hội.

Để “làm chủ” được phải nâng dần mức độ tự chủ, tự giác, tự mày mò nghiên cứu…, nghĩa là “tự giáo dục”. Có như vậy con người mới tách xa được phần “con”, tiến gần tới phần “người” và chúng ta mới có thể tự hào mình là chủ nhân đích thực, là đại diện ưu tú nhất của muôn loài.

Giáo dục, theo cách nói của Hồ Chủ tịch, là phấn đấu “tăng năng suất trồng người” vì lợi ích của cả “trăm năm” sau. Nghĩa là càng có nhiều học trò sớm đủ hành trang bước vào đời, sớm rời xa ghế nhà trường, sớm sống được mà không còn lệ thuộc vào “bầu sữa” của thầy, cô… thì càng tốt.

Vì thế, giáo dục không phải là “phương tiện” mà là “mục đích” của một nhà nước nói chung cũng như những người làm giáo dục nói riêng.

Thầy, cô không phải giáo dục để sống mà là sống để giáo dục 

Mục tiêu của giáo dục là tạo ra những con người chủ động, sáng tạo. (Ảnh VNN)

 

Giáo dục vụ lợi, viết sách để đánh bóng tên tuổi là hỏng, học để lấy bằng là hỏng, đến trường để đối phó thầy, cô là hỏng. Giáo dục bắt buộc thì không phải là giáo dục, học trò không dám hoặc không biết phản biện thầy hay thầy không dám hoặc không muốn nghe học trò phản biện là hỏng…

 

Song, thật đáng tiếc, những điều phổ biến của giáo dục Việt Nam hiện nay lại ngược (hỏng) nhiều so với giáo dục đúng nghĩa. Dạy thêm (có thể sau khi “giấu bài” trên lớp) tràn lan là vụ lợi. Một bộ phận giáo viên dạy qua quýt để lấy “năm công tác”, lấy “sổ hưu” rồi “chạy sô” là vụ lợi. Thầy đọc, trò chép là một bước lùi; gian lận thi cử, mua bán bằng cấp; gia đình phó mặc hay phụ huynh “phong bì” cho thầy, cô để con cái mình “được, bị” giáo dục là hỏng; sinh viên ra trường cần “giáo dục lại” hay bổ túc thêm là kém hiệu quả…

Nhưng hãy đi sâu hơn vào một “khuôn mẫu” vô lý của giáo dục Việt Nam. Quy định về tuổi trong các cấp học, bậc học chẳng hạn. Tại sao lại cứ nhất thiết từ 6 tuổi trở lên mới được học cấp 1, từ 11 tuổi trở lên mới được học cấp 2. Tại sao cứ phải học lớp 11 hoặc 12 mới được dự thi quốc gia, quốc tế mà không có cả lớp 10 như hầu hết các nước phát triển hàng đầu?

Như trường hợp của sinh viên Trần Quang Khải (Nhị Chiểu, Kinh Môn, Hải Dương) cách đây gần chục năm là một ví dụ. Khi còn học lớp 11, anh đã đi thi và thừa điểm trúng tuyển ĐH Bách khoa Hà Nội, tất nhiên anh không “đủ tuổi” vào đại học. Năm sau đó, lớp 12, anh trở thành thủ khoa đầu vào (vẫn ĐH Bách khoa Hà Nội) và rồi anh đã tốt nghiệp thủ khoa Đại học Bách khoa, sau đó được sang làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ ở Mỹ. Tuy đây chỉ là trường hợp cá biệt, nhưng chẳng phải xã hội luôn cần, đất nước luôn cần, nhân loại luôn cần ngày càng nhiều hơn những “cá biệt” để trở thành “không cá biệt” như một sự kiện đáng mừng này hay sao?

Đầu vào như vậy nên đầu ra cũng vẫn vậy. Nhất thiết phải 5 năm tiểu học, 4 năm trung học, 3 năm PTTH, từ 4 đến 5 năm đại học,… thì “mới được cấp bằng”. Sau đó, kết hợp với “nạn chuộng bằng cấp” khi lập nghiệp nữa thì con người, dù có tri thức, dù có muốn cũng không thể thoát khỏi những “vòng kim cô” của ngành giáo dục nói riêng và “cơ chế” của Nhà nước nói chung. Và như thế, những GS, TS mới 19, 20 tuổi bên Anh, Úc, Nhật, Mỹ,… nếu như được công nhận và chào đón nồng nhiệt ở khắp các trường đại học danh tiếng và hầu hết các quốc gia (trong đó có Việt Nam và là niềm ao ước của Việt Nam) thì lại trở thành “cá biệt”, thậm chí còn là “phạm pháp” ở Việt Nam.

Nghịch lý ở chỗ, chúng ta cần, chúng ta mong những tài năng trẻ như vậy nhưng chúng ta lại cứ xây dựng nên những “cơ cấu, cơ chế” kìm hãm nó, không cho phép nó xuất hiện, rồi lại phải bỏ tiền, rất nhiều tiền ra “mời” họ sang đất nước mình. Nói như các cụ xưa kia thì đó là kiểu tính toán “vào lỗ hà, ra lỗ hổng”.

Đánh giá, tuyển chọn dựa trên tri thức chứ không phải tuổi tác

Điều nhân loại cần để xem xét một con người văn minh, trước hết là sự vượt trước về tri thức chứ không phải so sánh ai sống lâu hơn hay ai đủ tuổi, ai có “nhiều năm công tác” hơn. Nhưng chính sách giáo dục, chế độ tuyển dụng và đãi ngộ nhân tài của chúng ta lại như vậy.

Đáng lẽ ra, độ tuổi hay số năm công tác chỉ là một yếu tố phụ để đánh giá thì chúng ta lại đưa lên đầu tiên thành một thước đo cứng nhắc, sáo rỗng. Thế nên mới có chuyện “ma cũ bắt nạt ma mới”; mới có bệnh quan liêu, trông chờ vì quyền lợi, nghĩa vụ cứ “đến hẹn lại lên”; mới ăn sâu bám rễ tư tưởng “cấp trên luôn luôn đúng” hay “thầy, cô luôn luôn đúng”; và tuổi trẻ, tài cao, tâm huyết lại phải xếp hàng sau lưng “trì trệ nhưng có thâm niên”.

Đã “chặn đầu” trí thức như vậy rồi, chúng ta lại “khóa đuôi” bằng quy định về độ tuổi nghỉ hưu (nam 60, nữ 55). Chúng ta lấy lí do để dành chỗ cho thế hệ sau tiến lên. Lý do nghe có vẻ xác đáng nhưng thực chất lại là một sai lầm khác: sai lầm do duy ý chí, nóng vội, cào bằng tất cả mà quên đi tính đặc thù cá nhân hay sự khác nhau giữa người này với người kia.

Chúng ta quên rằng có nhiều người trẻ tuổi tài cao và cũng có nhiều người cao tuổi sung sức, đầu óc minh mẫn, nhiệt huyết không hề suy giảm. Chúng ta đã sai lầm khi đánh đồng trình độ theo lứa tuổi ở đầu vào, nay chúng ta tiếp tục lặp lại sai lầm đó một lần nữa ở đầu ra. Rốt cuộc, muốn cống hiến sớm cũng khó mà muốn tiếp tục cống hiến cũng không được.

Đó là sự lãng phí ghê gớm về nhân tài, vật lực; là cách nhanh nhất tạo ra những con người thụ động, quen ỷ lại, cầu may và chộp giật cơ hội, ích kỷ và vô cảm, gián tiếp làm gia tăng tệ nạn xã hội. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự suy giảm nhiệt huyết, niềm tin, sức sáng tạo. Và đáng buồn, đáng lo nhất khi con người nhìn nhau với ánh mắt nghi ngờ, thủ thế, hằn học không khí cạnh tranh không khoan nhượng.

Một khuôn giáo dục cứng nhắc, thiếu linh hoạt sẽ tạo ra nhiều kẽ hở, và là mảnh đất màu mỡ để “chủ nghĩa cá nhân” lên ngôi. Theo cách nói của K.Marx thì nó sẽ tạo ra tình trạng “hỗn loạn” trong dạy, học, lao động, tìm kiếm và tận dụng cơ hội. Và việc nở rộ các loại hình đào tạo, văn bằng, chứng chỉ ở nước ta hiện nay nhưng trường lớp không ra trường lớp, thầy không ra thầy, trò không ra trò, đen trắng lẫn lộn, thật giả khó lường,…

Vậy, chẳng phải giáo dục Việt Nam đang… ngược hay sao?

  • Đào Anh Dũng, Hà Nội  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,