221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
1132731
Thông tư tuyển công chức không đánh giá đúng ứng viên
1
Article
null
Thông tư tuyển công chức không đánh giá đúng ứng viên
,

 - Tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả về những bất cập trong nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước. Trực tiếp liên quan tới công tác tuyển dụng còn có Thông tư 74/2005/TT-BNV. Đây cũng là văn bản có nhiều điểm thiếu thực tế, không tạo điều kiện đánh giá đúng năng lực người dự tuyển.

 

Công chức làm việc tại quận Ngô Quyền, Hải Phòng. (Ảnh VNN)
Chẳng hạn, tại điểm 3 quy định 3 môn thi: Hành chính Nhà nước (thi viết, 120 phút), Ngoại ngữ (60 phút) và Tin học (thi trắc nghiệm, 15 - 30 phút) và có thể thêm môn chuyên ngành. Điểm các môn thi được tính theo hệ số 1. Đây là quy định rất không khoa học và cũng không rõ ràng.

 

Thứ nhất, việc cào bằng hệ số 1 là không hợp lý và Bộ Nội vụ cũng không nên quy định cụ thể như vậy mà nên để bộ chuyên ngành làm. Thử hỏi một bài thi viết 120 phút gồm nhiều nội dung lồng ghép lại chỉ tương đương một bài thi trắc nghiệm Tin học văn phòng 15 – 30 phút thì có hợp lý không? Khi quy định không hợp lý tất yếu tạo ra kẽ hở (ở đây lại quá rõ) cho tiêu cực.

 

Ngay cả trong trường hợp lý tưởng, không có tiêu cực thì quy định này cũng không tạo điều kiện lựa chọn đúng người có năng lực cho công việc. Theo tôi, điểm thi viết liên quan chuyên ngành cần có hệ số 3, 4 tùy theo đánh giá của hội đồng tuyển dụng. Các môn Ngoại ngữ, Tin học tùy theo yêu cầu công tác mà cơ quan quản lý công chức có thể tính hệ số 1 hoặc xem là môn điều kiện, chỉ cần thi đạt.

 

Thứ hai, quy định như trên tuy có bổ sung thêm phần chuyên ngành nhưng có thể thấy vẫn coi nhẹ nội dung chuyên môn, quá nhấn mạnh nội dung kiến thức quản lý Nhà nước. Chúng ta đang rất cần các cán bộ giỏi chuyên môn, các chuyên gia, quy định như trên là không phù hợp tinh thần đó, vừa không hồng cũng chẳng chuyên.

 

Ngoài quy định về nội dung thi bất cập như trên, quy định tại các điểm 2.1.1 “… không phân biệt loại hình đào tạo (chính quy, tại chức, mở rộng), không phân biệt trường công lập và ngoài công lập” và điểm 2.1.2 “…không quy định điều kiện xếp loại kết quả học tập để đưa vào các điều kiện đăng ký dự tuyển” cũng bất hợp lý. Các quy định này trên thực tế tạo ra nhiều lỏng lẻo trong công tác tuyển dụng, làm công tác tuyển dụng quá nặng về thủ tục hành chính mà thiếu thực chất để đánh giá năng lực ứng viên.

 

Hơn nữa, quy định như điểm 2.1.1 là “ngược” lôgic, bởi lẽ trên thực tế chất lượng các trường, các hệ đào tạo rất khác nhau. Nếu như ta đã chuẩn hóa được chất lượng đào tạo ở mọi loại hình đào tạo và cơ sở đào tạo thì còn có lý do để đưa ra quy định như vậy. Làm ngược lôgic như quy định này vô hình trung không góp phần tạo động lực cạnh tranh nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường.

 

Nếu lý do đưa ra quy định này là nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục hoặc để đảm bảo khách quan trong tuyển dụng thì quả thật quá mơ hồ, thiếu khoa học. Một kỳ thi tuyển về mọi lẽ không thể đánh giá chính xác bằng cả quá trình học tập.

 

Để giải quyết vấn đề này, Bộ GD-ĐT có thể đưa ra danh sách xếp loại các trường và dựa trên đó, cơ quan tuyển dụng công chức hoàn toàn có quyền lựa chọn trường, hệ đào tạo làm nguồn tuyển dụng.

 

Theo quan điểm học thuật (Hebert G. Heneman 2000), tuyển dụng và lựa chọn là khâu quan trọng nhất trong toàn bộ quy trình quản lý nhân sự, tác động quan trọng tới năng lực làm việc (performance) và mức độ gắn bó với tổ chức sau này (retention).

 

Các quy định thiếu mạch lạc trong các Thông tư 08, 09, bất cập trong Thông tư 74 cho thấy Bộ Nội vụ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc xây dựng văn bản pháp quy. Cần có cơ chế rà soát, phản biện chặt chẽ, bố trí cán bộ công tâm, có năng lực đảm trách. Các nghị định, thông tư vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung gây lãng phí thời gian, tiền bạc không nhỏ, quan trọng hơn là chúng làm nản lòng các ứng viên có năng lực khi tham gia thi tuyển.

 

Làn sóng công chức bỏ ra ngoài làm việc thời gian qua (trong đó có cả cán bộ cấp vụ) chắc chắn không chỉ có trách nhiệm của cơ quan chủ quản, mà còn có nguyên nhân không nhỏ do các quy định phức tạp, có phần thiếu cả “tâm” lẫn “tầm” như trên.  

  • Lê Sáng, Hà Nội

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,