221
450
Bạn đọc - Pháp luật
bandocviet
/bandocviet/
713092
Tăng học phí = tăng chất lượng?
1
Article
null
Tăng học phí = tăng chất lượng?
,

Mệnh đề này đã từng được nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý ngành giáo dục đưa ra trong chiến lược cải tiến giáo dục ĐH Việt Nam. Trên thực tế, dù học phí có tăng nhưng nếu phần tăng thêm được sử dụng dàn trải thì hiệu quả và chất lượng giáo dục vẫn khó có những cải thiện trong tương lai gần.

 

Soạn: AM 548198 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Tăng học phí là lời giải cần thiết cho chiến lược tăng nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục ĐH.

Xét từ góc độ người dạy, việc nâng cao đời sống, thu nhập là nhu cầu cấp thiết. Một sinh viên giỏi được giữ lại trường có mức lương 700-800 nghìn, không đủ chi trả cho nhu cầu sinh hoạt tối thiểu: ăn, ở, điện, nước, càng không dám bàn đến đầu tư chiều sâu cho nghiên cứu, học tập. Họ còn trẻ và việc ‘‘nghiến răng’’ đầu tư cho tương lai là có thể chấp nhận nếu tương lai thu nhập của họ đủ cho cuộc sống. Thế nhưng, một giáo sư có 35- 40 năm miệt mài gắn với giảng dạy cũng chỉ có thu nhập khoảng trên dưới 3 triệu đồng, ‘‘ngấp nghé’’ mức lương của một nhân viên ngành điện lực mới ra trường. Với mức sống ở thành phố, thu nhập như vậy chưa đủ cáng đáng gia đình, chưa tương xứng với công sức, trình độ, cống hiến của họ. Cơ chế đãi ngộ chưa thoả đáng khiến đội ngũ giảng viên hẫng hụt, chất lượng đào tạo không được nâng cao.

 

Với cách làm hiện nay, khoản tăng mấy chục nghìn học phí trên mỗi sinh viên còn phải chia ra rất nhiều thứ quỹ: xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, chi phí hoạt động thường xuyên... Phần dành cho nâng cao đời sống giáo viên chắc không vượt quá 10- 15%. Và theo lệ thường, số tiền đó cũng không trở thành một “khoản cứng” đều đặn hàng tháng mà còn được gián tiếp điều tiết vào các các mục chi thưởng, giúp đỡ những cán bộ khó khăn, đau ốm... Không phải giảng viên nào cũng thấy được tác dụng của việc tăng học phí đến đời sống của mình, và việc nâng cao đời sống, thu nhập giáo viên còn là hành trình dài theo lộ trình tăng học phí, chưa kể đến tình trạng tăng giá làm thu nhập thực tế thấp đi. Do đó, động lực làm việc từ cơ chế khích lệ lợi ích do việc tăng học phí đem lại không có được “cú hích” cần thiết, không tạo được đột phá như mong muốn.

 

Xét từ góc độ người đi học, nếu coi tăng học phí là một cách huy động nguồn lực từ số đông có điều kiện để hỗ trợ, miễn giảm cho số ít gặp khó khăn có cơ hội đến trường thì phải có giải pháp đồng bộ hơn nữa. Bởi số sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn ở một nước gần 80% dân số làm nông nghiệp còn rất lớn. Một huyện nghèo như Đức Thọ, Hà Tĩnh một năm có tới hơn 400 em đỗ ĐH. Gánh nặng học hành bao nhiêu gia đình tự trang trải được, bao nhiêu gia đình phải giật gấu vá vai, gắng sức, bao nhiêu gia đình quá tầm tay, đành lỗi hẹn? Mỗi suất học phí tăng thêm mấy chục nghìn chưa tạo ra bước đột phá cần thiết để nâng cao đời sống người thầy, chưa làm thay đổi cơ sở vật chất nhà trường nhưng chắc chắn đã là một mối lo, một thử thách thật sự với hàng nghìn học trò nghèo. Trong khi quỹ học phí và học bổng là hai nguồn hoàn toàn độc lập thì việc tăng học phí để tăng học bổng, dành ưu đãi cho những học trò nghèo cũng là chuyện không khả thi, và thực ra chỉ tồn tại trên lý thuyết.  

 

Tăng học phí là lời giải cần thiết cho chiến lược tăng nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục ĐH. Song, quan trọng là sử dụng nguồn học phí tăng thêm thế nào cho phù hợp. Quỹ học phí bị chia nhỏ ra nhiều khoản chi đã khiến nguồn lực không tập trung, không tạo được “cú hích” cần thiết để nâng cao chất lượng. Mức tăng hiện nay chỉ có ý nghĩa nếu thay vì dàn trải, Nhà nước cho phép các trường tập trung khoản tăng thêm ấy vào giải quyết một vài khâu then chốt, chẳng hạn nâng cao đời sống giáo viên và hỗ trợ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Có “ra tấm, ra miếng” như thế mới hy vọng chủ trương tăng học phí sẽ thực sự tác động đến việc tăng chất lượng đào tạo trong nhà trường, thể hiện một lộ trình cải tiến hợp lý, có chiều sâu và được cân nhắc kĩ càng.

 

  • Đỗ Chí Nghĩa

                                                                                                                                                         

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,
,
,
,