,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
865968
Điều bất ngờ của ông Bush ở Hà Nội
1
Article
null
,

Điều bất ngờ của ông Bush ở Hà Nội

Cập nhật lúc 01:08, Thứ Bảy, 18/11/2006 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Trong 15 phút trò chuyện thân mật ngoài dự kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở sảnh toà nhà Chính phủ, Tổng thống Bush nói rằng trước khi đến VN, ông đã không biết "mình sẽ được đối xử như thế nào" nhưng điều làm ông và các thành viên trong đoàn "bất ngờ" là sự thân thiện của người dân VN. Theo Tổng thống Bush "đó là điều sống còn trong quan hệ Việt - Mỹ".

>>> Tổng thống Bush:"VN giống như một con hổ trẻ"
>>>Chùm ảnh: ngày đầu của TT Bush ở Hà Nội
>>>Các lãnh đạo Việt Nam tiếp đón Tổng thống Bush

Ngày đầu tiên của ông Bush ở Việt Nam quả thực đã diễn ra theo cái cách vượt ngoài mong đợi khi Tổng thống Mỹ nhận được sự đón tiếp nồng hậu và mến khách của các nhà lãnh đạo và người dân Việt Nam ở một đất nước đã từng là cựu thù.

Tổng thống Bush và bà Laura đã nhận được sự đón tiếp thân thiện của người dân VN. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vượt qua quá khứ khó khăn

Dù là vị Tổng thống thứ hai của nước Mỹ tới Hà Nội kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1995, nhưng quá khứ đắng cay và những phức tạp trong mối quan hệ hiện tại luôn khiến bất cứ chuyến thăm cấp cao nào của lãnh đạo hai nước trở nên đặc biệt.

Tổng thống Mỹ nói rằng, sự hiện diện của ông ở Việt Nam, 30 năm sau khi cuộc chiến tranh từng chia rẽ nước Mỹ kết thúc, chính là bằng chứng cho thấy hai quốc gia "có thể hoà giải và vượt qua được quá khứ khó khăn".

Mười bảy năm trước, Tổng thống Bush cha là người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình bình thường hoá mối quan hệ đã bị đóng băng suốt hàng chục năm trong hận thù giữa hai đất nước. Mười bảy năm sau, Bush con bước chân đến Hà Nội trong sự đón chào bằng nụ cười và cái vẫy tay từ đám đông người dân đang đứng dẹp bên đường cho đoàn xe của Tổng thống Hoa Kỳ đi qua.

Không cuốn hút một cách bùng nổ bởi phong cách của một ngôi sao ca nhạc như Tổng thống Bill Clinton năm nào, nhưng vị Tổng thống với phong cách lạnh lùng, quyết đoán vẫn thu hút được sự tò mò chú ý của người dân Hà Nội.

Điều bất ngờ từ ông Bush

Nếu như sự đón tiếp nồng hậu của các nhà lãnh đạo và sự thân thiện, mến khách của người dân Việt Nam khiến Tổng thống Bush ngạc nhiên thì hôm qua, bản thân ông cũng mang tới một sự bất ngờ khi vị Tổng thống Mỹ dừng lại đứng nói chuyện tới 15 phút với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau khi đã kết thúc hội kiến.

Trong cuộc trò chuyện ngoài dự kiến đó, ngược với phong cách lạnh lùng thường thấy, ông Bush tỏ ra khá thoải mái và thân mật với Thủ tướng Việt Nam. Ông quay sang nhắc Ngoại trưởng Rice và Đại sứ Hoa Kỳ lưu ý gia tăng trợ giúp trong lĩnh vực giáo dục cho Việt Nam. Ông cũng đề nghị hai nước có những "biện pháp sáng tạo" để tăng cường quan hệ song phương, trong đó có việc giúp người dân hai nước tăng cường giao lưu.

Tổng thống Bush cho biết chuyến thăm này là một kinh nghiệm tuyệt vời cho ông. Không có lý do gì để Hoa Kỳ không trợ giúp các mục tiêu phát triển của Việt Nam. "Thực sự là Hoa Kỳ muốn Việt Nam thành công và thịnh vượng", Tổng thống Mỹ khẳng định.

"Tình hữu nghị" và "sự thân thiện" hiếm có này đã khiến vị Tổng thống Mỹ ngạc nhiên và cảm kích.

Và cho dù tới Hà Nội lần này mà không có PNTR trong tay - điều áy náy mà Tổng thống Bush nhắc đi nhắc lại trong mỗi một cuộc gặp, thì ông vẫn nhận được sự đón tiếp nồng hậu của các nhà lãnh đạo Việt Nam.

"Tình hữu nghị của người dân Việt Nam là một đức tính tuyệt vời. Có thể nói, đó là điều sống còn trong quan hệ hai nước", Tổng thống Mỹ kết luận trong cuộc trò chuyện thân mật, không nghi thức sau đó với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sảnh Nhà khách Chính phủ.

Hướng tới tương lai

Nhưng thay vì chú ý tới quá khứ cuộc chiến, điều mà cả Tổng thống Bush và các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn tập trung bàn thảo chính là hiện tại và tương lai của mối quan hệ song phương.

"Đây không phải là lúc nhìn lại phía sau. Mà đây thực sự là lúc phải nhìn về phía trước những lĩnh vực hợp tác và những mối quan tâm chung của hai nước", Tổng thống Bush nói.

"Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" cũng là thông điệp mà các nhà lãnh đạo Việt Nam nhấn mạnh trong mỗi cuộc gặp với vị Tổng thống Hoa Kỳ. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết khi gia nhập WTO. Còn vị Thủ tướng trẻ của Việt Nam đã nói thật cụ thể mong muốn: Hoa Kỳ sớm trở thành nhà đầu tư số một ở Việt Nam và kim ngạch buôn bán hai nước sẽ đạt con số 17 - 18 tỷ USD năm 2010.

Người phát ngôn của ông Bush, Tony Snow cho biết, mối quan tâm của Tổng thống Mỹ là tương lai kinh tế tươi sáng của VN.

Cam kết của Tổng thống Bush

Trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Bush cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ để Quốc hội Hoa Kỳ sớm thông qua PNTR cho Việt Nam. Ông nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hãy tin ông vì chắc chắn điều đó sẽ xảy ra.

Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ giữ nguyên hoặc tăng mức viện trợ trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS. Năm vừa qua, Mỹ tài trợ cho các chương trình phòng chống HIV/AIDS của VN 15 triệu USD.

Hào hứng với những dấu hiệu sống động của nền kinh tế Việt Nam, ông Bush đã ví Việt Nam như "một con hổ trẻ".

"Hoa Kỳ mong Việt Nam thành công và thịnh vượng", Tổng thống Bush đã khẳng định mạnh mẽ như thế trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau đó.

Từ đối thủ thành đối tác

Nếu như người tiền nhiệm của ông Bush, Tổng thống Bill Clinton đóng vai trò bình thường hoá quan hệ hoàn toàn với Việt Nam về mặt chính trị và sau đó, bình thường hoá quan hệ thương mại thì dưới thời Tổng thống Bush, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới.

Hồi tháng Năm, nước này đã ký kết thoả thuận song phương mở đường cho Việt Nam gia nhập WTO. Và nay, dự luật Bình thường hoá Vĩnh viễn quan hệ thương mại với Việt Nam đang chờ Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, loại bỏ rào cản cuối cùng trên con đường bình thường hoá hoàn toàn quan hệ kinh tế giữa hai bên.

Năm năm sau BTA, trao đổi thương mại giữa hai bên đã tăng lên đến con số 7,8 tỷ USD, điều mà những người từng ký kết vào bản Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ cũng không thể ngờ tới.

Nhưng điều quan trọng hơn, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang nhìn về Việt Nam như một "mỏ vàng mới", nơi hứa hẹn những cơ hội làm ăn hấp dẫn. "Tìm kiếm cơ hội đầu tư vào VN bây giờ cứ như một cái "mốt" vậy", một nhà đầu tư Hoa Kỳ nói.

Chỉ một tuần trước, Thủ tướng Việt Nam đã tới dự lễ trao giấy phép cho tập đoàn Intel với số vốn dự án lên tới 1 tỷ USD. Cú đầu tư xây dựng nhà máy ATM lớn nhất Đông Nam Á tại một đất nước còn đứng hạng sáu về thu nhập đầu người trong 10 nước ASEAN được xem là một chiêu tiếp thị ngoạn mục của VN.

Và hôm qua, tập đoàn AES Transpower đã ký thoả thuận đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 trị giá 1,4 tỷ USD với tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam.

Thomas O'Doore, một doanh nhân Hoa Kỳ, đại diện của Tập đoàn bảo hiểm Liberty Mutual đã ở Việt Nam gần ba năm để chờ đợi cho một giấy phép mở công ty làm ăn trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ. Với cam kết của VN trong WTO, ngày hôm qua Tom đã nhận được giấy phép để bắt đầu cho một cuộc kinh doanh mới ở VN.

Với những doanh nhân như Tom, chuyến đi của Tổng thống đơn giản như một sự xác nhận về sự hiện diện và mối quan tâm kinh tế của Mỹ tại một thị trường đang nổi lên đầy hấp dẫn như VN.

Và ngày cuối cùng ở Việt Nam, Tổng thống Bush sẽ có mặt ở thành phố phát triển năng động nhất Việt Nam: TP.HCM, nơi ông đến thăm sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM và tham dự hội nghị bàn tròn với các nhà lãnh đạo kinh tế của VN và Mỹ

  • Việt Lâm

,
,