,
221
8621
Ambassador
ambassador
/ambassador/
1004100
Nữ Giáo sư Harvard và mối tình mang tên Việt Nam
1
Article
null
,
Nhân Ngày Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ:

Nữ Giáo sư Harvard và mối tình mang tên Việt Nam

Cập nhật lúc 13:08, Thứ Hai, 12/11/2007 (GMT+7)
,

Yêu VN ngay từ ngày đầu gặp gỡ. 3 năm sống ở VN với những công trình nghiên cứu xuất sắc về kinh tế VN. Nói Tiếng Việt rất sõi và hát quan họ "ngọt" như một cô gái Kinh Bắc chính hiệu. Đó là câu chuyện tình yêu của Regina, Giáo sư trường Kinh doanh Harvard với VN.

G.S Regina Abrami
G.S Regina Abrami

"Anh mới ở Việt Nam sang phải không?". Tim tôi thắt lại khi nghe tiếng nói mẹ đẻ thân thương giữa đất Mỹ xa lạ, cách quê nhà nửa vòng Trái Đất. Ngẩng đầu lên tìm kiếm người đồng hương, tôi ngỡ ngàng khi thấy một cô gái da trắng, tóc nâu với đôi mắt thật sáng đang nhìn tôi mỉm cười thân thiện.

Cuộc gặp gỡ ban đầu giữa tôi và Regina Abrami đã diễn ra như thế. Bất ngờ hơn, Regina lại chính là một trong những giáo sư sẽ hướng dẫn tôi trong khoá học này.

Ở trường Kinh doanh Harvard, Regina nổi tiếng với những bài báo, công trình nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc và Việt Nam. Có thể kể ra đây những tác phẩm xuất sắc như: Nhìn lại Doanh nghiệp ở Việt Nam: Sự chuyển đổi và những động lực; Việt Nam năm 2002; Nhìn lại các mối quan hệ quan chức và quá trình hoạch định chính sách kinh tế ở Việt Nam; Thành phố và Nông thôn: Kinh tế, Nhà nước và Những di sản XHCN trên thị trường lao động Việt Nam;...

Qua các cuộc tiếp xúc cũng như các bài giảng, nữ giáo sư cho thấy một vốn hiểu biết sâu sắc đến bất ngờ về Việt Nam; không chỉ là Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi mà Regina còn nắm vững các kiến thức về kinh tế Việt Nam thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Tôi đã từng nghe cô say sưa kể về chuyện ngày xưa người dân làng Đình Bảng, Bắc Ninh buôn bán như thế nào.

Nhưng ấn tượng về cô trong tôi đến giờ không phải là những bài giảng thú vị về kinh tế mà lại là nụ cười và ánh mắt rạng rỡ khi biết tôi là người Việt Nam. Regina đã đón tôi, một người xa lạ chưa từng gặp bao giờ như đón một người thân lâu ngày đoàn tụ. Dẫu công việc giảng dạy bận rộn thế nào, cô cũng luôn dành một thời gian trong ngày để "khai thác" tin tức về Việt Nam, "cho vợi bớt nỗi nhớ Việt Nam" như cô vẫn nói.

Rất tự nhiên, chúng tôi đã gắn bó với nhau bởi "sợi dây" tình yêu với xứ sở nhiệt đới mang cái tên: Việt Nam.

Cuộc kỳ ngộ của nữ giáo sư trường Harvard với Việt Nam

Dần dà, Regina đã kể cho tôi nghe, cô gắn bó với Việt Nam từ khi nào. Lấy bằng Tiến sĩ Khoa học Chính trị tại Đại học Berkeley, Regina quyết định đến Trung Quốc và Việt Nam để tiến hành một số cuộc nghiên cứu về các nền kinh tế chuyển đổi. Và Regina không thể ngờ, mảnh đất nhiệt đới xa xôi lại níu giữ chân cô lâu đến thế. Ba năm sống ở Việt Nam với Regina không còn chỉ là công việc. Cho đến giờ, mỗi khi ngồi tâm sự với tôi hàng giờ về Việt Nam, cô vẫn không thể cắt nghĩa vì sao cô lại yêu quý và gắn bó với đất nước này nhiều đến thế. Cô nói với tôi một cách giản dị, xúc động: "Việt Nam đã trở thành Tổ quốc thứ hai của em mất rồi".

Lần theo những câu chuyện cô kể, có lẽ, mối cảm tình đặc biệt của Regina bắt đầu từ những ngày "chân ướt chân ráo" tới một nơi xa lạ, giữa những con người khác màu da và ngôn ngữ. Trong ký ức của những người Mỹ trẻ như cô, cuộc chiến tranh khủng khiếp và hội chứng mang tên Việt Nam vẫn dằn vặt những thế hệ cùng thời đã lùi xa, không để lại nhiều dấu ấn. Nhưng trong tâm thức nhiều người Mỹ, khi nhắc đến Việt Nam vẫn còn chút vấn vương, e ngại. Không phải không có lúc Regina băn khoăn tự hỏi, liệu những người Việt Nam sẽ tiếp đón cô như thế nào khi biết cô đến từ đất nước đã gieo bao đau thương cho họ.

Sự bất ngờ ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên. Trái với hình dung, điều mà Regina nhận được là cảm tình nồng ấm và sự giúp đỡ nhiệt tình ở tất cả những nơi cô đến, những người cô gặp. Các cộng sự Việt Nam đã tận tình giúp đỡ cô, cung cấp, tìm kiếm những tài liệu cô cần, chỉ dẫn cho cô tìm những người cần gặp. "Không có sự giúp đỡ của họ, em sẽ không thể nào hoàn thành công trình nghiên cứu của mình".

Song với Regina, hình ảnh mà cô nhớ nhất khi xa Việt Nam lại là những người nông dân "chân lấm tay bùn". Có thể là kỳ lạ với một nữ Giáo sư quen sống máy lạnh, tiện nghi đầy đủ nơi trời Tây nhưng 3 năm sống ở Việt Nam, nơi đi về nhiều nhất của Regina lại là các làng quê Việt.

Cô gái người Mỹ đã xin đến sống trong những ngôi nhà sơ sài và thiếu thốn tiện nghi ở những làng quê nghèo khổ nhất, khó khăn nhất miền đồng bằng Bắc Bộ. Trong căn phòng làm việc đầy ắp những vật dụng, tranh ảnh về Việt Nam của Regina ở Đại học Harvard vẫn còn treo trang trọng một bức ảnh khổ lớn chụp cô gái tóc nâu đang đứng dưới ruộng cấy lúa, nụ cười trắng loá dưới chiếc nón trắng, xung quanh là những bà, những chị đang nhìn cô cười trìu mến. Dường như họ đã quen với sự có mặt của cô gái "Tây" này.

Còn với Regina, đã từ lâu, những người nông dân chân chất, hồn hậu ấy đã là bạn của cô. Cô có thể hoà nhập với cuộc sống của họ không chút e ngại hay khoảng cách, có thể ăn chung mâm, ngủ cùng giường. Có lẽ vì vậy mà nhiều người dân Bắc Ninh giờ vẫn còn nhớ cô gái da trắng có giọng hát quan họ rất "ngọt" bằng một thứ tiếng Việt khá sõi trong mỗi mùa Hội Lim.

"Sự cởi mở, chân tình của người Việt đã giúp tôi hoà nhập"

- Sống ở Việt Nam 3 năm, Regina ấn tượng nhất với điều gì ở đây?

- 3 năm ở Việt Nam đối với em là một đoạn đời đầy kỷ niệm không dễ dàng quên. Em đã sống một cuộc sống khác, ở một thế giới khác thế giới em vẫn hằng sống. Nhưng đó là một thế giới đầy ắp những thi vị. Dù đã 3 năm sống ở Việt Nam, nhưng đến giờ, em vẫn không hết ngạc nhiên vì những cảnh sắc tươi đẹp trên đất nước này. Nhưng điều quan trọng hơn hết thảy giúp em có thể hoà nhập dễ dàng vào cuộc sống nơi đây chính là nhờ những con người Việt Nam mà em đã gặp. Họ thật thân thiện, dí dỏm. Nhất là những người dân quê mà em đã có dịp tiếp xúc và sống chung. Dù cuộc sống còn rất nhiều khó khăn nhưng điều kỳ lạ là lúc nào họ cũng có thể mỉm cười, pha trò. Đó là sự lạc quan và nghị lực sống mãnh liệt không dễ gì tìm thấy ở nhiều dân tộc khác. Có tham gia vào những buổi sinh hoạt cộng đồng ở thôn xã Việt Nam mới cảm nhận rõ điều đó. Với em, một người Mỹ, ấn tượng về người dân Việt Nam còn là tấm lòng vị tha, biết quên những gì nên quên trong quá khứ để hướng tới tương lai. Chính phẩm chất đó đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công cuộc hoà giải giữa hai dân tộc.

- Regina đã học Tiếng Việt từ khi nào?

- Trước khi sang Việt Nam, vốn tiếng Việt của em cực kỳ ít ỏi, chỉ vỏn vẹn mấy câu chào và "cảm ơn". Em hiểu rằng, mình chỉ có thể hiểu được một đất nước khi mình nói được tiếng nói dân tộc ấy. Với những người phương Tây, tiếng Việt thực sự rất khó học. Chính các bạn còn có câu cửa miệng "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam" cơ mà. Ban đầu, em có theo một lớp học tiếng Việt do giáo viên người Việt giảng dạy. Nhưng sau đó nhận ra, học như vậy không biết bao giờ mới có thể nói tiếng Việt thành thạo vì ngôn ngữ đời thường và trên sách vở có khoảng cách khá xa. Cách học tiếng Việt nhanh nhất là giao tiếp thật nhiều ngoài đời sống. Bây giờ nhìn lại, chính những người nông dân mới là thầy dạy tiếng Việt giỏi nhất, hiệu quả nhất của em.

- Regina đã dự định bao giờ trở lại Việt Nam?

- Nhất định em sẽ quay về Việt Nam và sinh sống lâu dài ở đó. Với em, Việt Nam đã trở thành Tổ quốc thứ hai mất rồi. Sống ở đó, em thấy thật dễ chịu và thanh thản. Có thể, em sẽ tìm một công việc nào đó giúp ích phần nào cho Việt Nam. Và biết đâu, Regina có thể lấy một đức ông chồng người Việt lắm chứ! (cười).

Chia tay Regina trở về nước, tôi còn nhớ mãi đôi mắt mong ngóng và giọng nói buồn của cô "Em nhớ Việt Nam lắm". Cô chỉ thèm ước "được ăn bánh chưng" và "ngắm hoa đào" như mấy cái Tết cổ truyền Việt Nam năm nào...

Theo Thảo Lam (VietnamNet)



 

,

Tin khác

,
,