,
221
4821
60 năm CHXHCNVN
vanhoimoi
/vanhoimoi/
764626
Phát triển khoa học công nghệ theo cách nào?
1
Article
null
,

Phát triển khoa học công nghệ theo cách nào?

Cập nhật lúc 13:22, Thứ Ba, 14/02/2006 (GMT+7)
,

Ý kiến của một tiến sĩ Việt kiều về việc phát triển khoa học công nghệ, xây dựng khu công nghệ cao ở Việt Nam. Chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc và mong tiếp tục nhận được những ý kiến quý báu để Việt Nam sớm thoát khỏi danh sách những nước chậm phát triển .

Soạn: AM 703949 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Hiện ở Việt Nam các khu công nghiệp (KCN) được phát triển mạnh mẽ. Những công ty trong các KCN phần lớn tập trung vào các nghành sản xuất, tận dụng nhân công rẻ, không có khả năng nghiên cứu, phát triển và chế tạo sản phẩm mới mà dựa vào những công nghệ đã hoàn chỉnh để tồn tại. Nhưng khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, chi phí nhân công tăng lên sẽ không còn hấp dẫn những công ty này. Họ sẽ lại đi tìm những "miền đất mới" có giá nhân công rẻ hơn.

Ngược lại khu công nghệ kỹ thuật cao (KCNKTC) lại là nơi hội tụ của những công ty có khả năng nghiên cứu, phát triển, và chế tạo những sản phẩm, kỹ thuật mới. Thường những công ty này  được trang bị thiết bị và kỹ thuật tân tiến với nguồn nhân lực phần lớn là khoa học gia và kỹ thuật gia.

Từ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, các công ty trong KCNKTC đồng thời quảng bá và tự kinh doanh sản phẩm, nên họ có khả năng làm thay đổi thị trường và phát triển vượt bậc cũng như định hướng được "lối đi" riêng.

Khoa học kỹ thuật có tiềm năng vô cùng to lớn và có khả năng đưa nền kinh tế của đất nước phát triển vượt trội. Chẳng hạn như Silicon Valley, California, (Mỹ), từng là một vùng nông nghiệp đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế hàng đầu trên thế giới trong vòng vài chục năm. Đây là nơi xuất khẩu sản phẩm kỹ thuật ra thế giới đứng đầu nước Mỹ. Hiện Silicon Valley có hơn 8.000 quỹ đầu tư, trên 150.000 nhân lực và doanh số bán ra hằng năm đạt hơn 120 tỷ USD.

Để có được thành công vượt bậc này, Silicon Valley đã tạo dựng được môi trường thuận lợi thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các doanh nghiệp này có nguồn nhân lực phong phú, khả năng sáng tạo cao lại được đào tạo, nuôi dưỡng, sử dụng hợp lý và hiệu qủa, cộng thêm nguồn vốn dồi dào của các quỹ đầu tư...

Ngày nay kinh tế thế giới dần dần chuyển sang kinh tế tri thức.  Giá trị sản phẩm không còn dựa trên vật liệu căn bản mà dựa trên giá trị sáng chế của sản phẩm đó, điểm trọng yếu trong việc cạnh tranh lâu dài. Việc thiết lập và phát triển những công ty mới, hãng xưởng mới nhằm tận dụng và phát huy khả năng ưu việt của khoa học kỹ thuật (kỹ thuật cao, lợi nhuận cao) trở nên cấp thiết và sẽ trở thành nguồn động lực quan trọng cho nền kinh tế quốc gia.

Vài nét về tác giả

Duc Pham, 35 tuổi, theo học cử nhân tại Cal Poly, San Luis Obispo, cao học tại San Jose State University, tiến sĩ tại Santa Clara University. Hội viên hàn lâm viện, hội viên Sigma-Xi; the Scientific Research Society. Từng làm việc tại các công ty Advanced Research, Inc. Micro lambda Wireless, Inc. Netro, Corp. Remec, Inc. Vishay Semiconductor, Inc. Silicon Valley Power Amplifier, Inc. qua các chức vụ chủ tịch công ty, giám đốc điều hành, kỹ sư chế tạo, kỹ sư dự án, kỹ sư nghiên cứu. Đồng thời là thành viên trong ban cố vấn đầu tư các công ty Gerson Lehrman Group, Vista Research Inc. chuyên tư vấn về sách lược đầu tư cho các công ty đầu tư, chính phủ các nước, và các tập đoàn trong việc nghiên cứu thị trường và chiến lược kinh tế. Liên lạc: phamducphd@yahoo.com

KCNKTC được thành lập với mục đích này, mang trọng trách hổ trợ, nuôi dưỡng và phát triển thị trường kỹ thuật cao. Đây là nơi các đơn vị kinh tế, các tổ chức chính phủ có cơ hội phát huy triệt để tiềm năng thông qua những chính sách khuyến khích và tài trợ từ chính phủ, cũng như làm cầu nối vững chắc giữa các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học và các ngành công nghệ.

Sứ mạng và những yếu tố thành công: 

- Nhằm cung cấp cơ sở vật chất và hổ trợ mọi mặt cho các ngành công nghệ kỹ thuật cao.

- Tạo cơ hội cho doanh nghiệp huy động vốn từ các quỹ đầu tư.

- Tạo nền móng và cơ sở vật chất để thu hút nhân tài.

- Có khả năng quảng bá những sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật cao ra thế giới

- Giúp các công ty thiết lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như sản phẩm trí tuệ.

Yêu cầu đối với Ban quản lý:

- Ban quản lý cần có khả năng chuyên môn và quản lý cao cũng như có tầm nhìn chiến lược trong việc quản lý và phát triển kinh tế của khu công nghệ;

- Có toàn quyền quyết định các vấn đề hệ trọng và đóng vai trò liên kết giữa các công ty, các trường đại học, các viện nghiên cứu, Chính phủ và địa phương cho mọi hoạt động của khu công nghệ;

- Chú trọng đến những nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp;

- Tận dụng tối đa tiềm lực kinh tế hổ trợ từ bên ngoài, cũng như bảo đảm việc đào tạo cung cấp nhân lực để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế;

- Đóng vai trò chiến lược nhằm đưa khoa học kỹ thuật vào việc phát triển kinh tế, phổ biến, trao đổi thông tin, công bố và truyền bá những thành quả khoa học kỹ thuật.

- Hổ trợ những sáng kiến cải cách, cải tổ từ phát minh, thí nghiệm thông qua việc phát triển sản phẩm, đến hổ trợ và đầu tư tài chánh, thử nghiệm, chuyển giao công nghệ…

- Tạo điều kiện trao dồi rèn luyện và nâng cao trình độ học vấn của các nhân viên làm việc trong các doanh  nghiệp đóng tại khu công nghệ.

- Khuyến khích và cổ vũ các đại công ty tham gia vào việc xây dựng khu công nghệ và đề xướng những chương trình hợp tác là việc làm quan trọng, trong phạm vi nào đó, các đại công ty có thể sẽ mang những nghiên cứu và phát triển tích cực đến cho khu công nghệ, cung cấp những giá trị kỹ thuật thiết thực cũng như làm cầu nối giữa khu công nghệ và thế giới.

Đồng thời phải xây dựng quy hoạch tổng thể những tiện ích đặc biệt như đường thả bộ, nhà hàng, bưu chính, khách sạn, ngân hàng, nhà ở, môi trường và điều kiện sống tốt, trường học tốt, những khu giải trí và rèn luyện thân thể… Đương nhiên, việc thu hút các doanh nghiệp đặt bản doanh tại các khu công nghệ với kiến trúc đẹp đẽ không thôi chưa đủ. Để lôi cuốn giới trí thức, kỹ thuật gia, khoa học gia về làm việc, việc trước tiên phải bảo đảm đời sống của họ và gia đình, thu hút và khuyến khích họ vận dụng triệt để trí tuệ cũng như được hưởng những quyền lợi tài chính.

Cần chú ý, các đơn vị kinh tế, các viện nghiên cứu khoa học là nơi qui tụ nhiều tài năng, vì vậy địa điểm của khu công nghệ nên đặt gần những trung tâm này.

Để đảm bảo cho sự thành công của khu công nghệ, chính phủ trung ương, chính quyền địa phương, các ban ngành, các quỹ đầu tư, các phân viện nghiên cứu, các trường đại học, cần hổ trợ mạnh mẽ, năng động và ổn định.

Vai trò của từng bộ phận

Chính phủ trung ương: Lập kế hoạch xây dựng khu công nghệ,  liên tục cung cấp ngân sách, yểm trợ, triển khai và phát triển khu công nghệ, đồng thời chỉ đạo, đánh giá và quan sát hoạt động của những chương trình hợp tác.

Đưa ra tầm nhìn chiến lược cũng như những phương pháp quản lý, chương trình hành động giữa chính phủ trung ương và các tổ chức hổ trợ (các ban ngành, chính quyền địa phương, và ban quản lý khu công nghệ) là điều cần thiết.

Cần mở rộng những chương trình hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu sang các đơn vị kinh tế tư nhân và thương nghiệp hoá những thành quả nghiên cứu. Cũng như cần kích hoạt và tăng cường nghiên cứu bằng cách giảm thuế cho các doanh nghiệp.

Chính quyền địa phương: Duy trì sự ổn định của các công ty bằng cách cung cấp nhân lực cũng như tiếp sức cho việc mở rộng và phát triển các công ty.

Các trường đại học: Cung cấp chất xám, nhân tài, hổ trợ thiết bị nghiên cứu, mở rộng các chương trình hợp tác nghiên cứu, phát triển, quản lý, tư vấn, và cố vấn về những chính sách về quản lý và hoạt động cuả khu công nghệ.

Các đại công ty: Triển khai và phát triển các chương trình hợp tác giữa các công ty nhỏ và vừa với các đại công ty, cung cấp ngân sách phụ trợ các công trình nghiên cứu khoa học tại các viện nghiên cứu, các trường đại học.

Những khuất mắc hiện thời

Chính phủ trung ương chưa có chương trình khuyến khích một cách thỏa đáng, hơn nữa thiếu ngân sách đầu tư và thiếu các dự án, công trình nghiên cứu khoa học và điều quan trọng hơn là thiếu những yếu tố cần thiết như là nhân lực…để đưa những dự án thành hiện thực. Cho nên chính phủ nên tăng cường hơn nữa việc đầu tư vào khoa học kỹ thuật, các dự án, các công trình nghiên cứu.

Mục đích chính của khu công nghệ là tận dụng triệt để sức mạnh của khoa học kỹ thuật để từ đó hình thành và tạo điều kiện thuận lợi cho những công ty mới cũng như giúp đẩy mạnh và thương nghiệp hóa những kỹ thuật mới. Nhưng mức độ tham gia của các trường đại học các phân viện nghiên cứu còn ở mức thấp. Trong quá trình hình thành và phát triển những doanh nghiệp mới, khâu quản lý và cố vấn kỹ thuật từ các giáo sư đại học hầu như không có. Những chương trình hợp tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học còn sơ sài cũng như chưa tận dụng triệt để các thiết bị nghiên cứu khoa học. 

Những việc cấp bách

Chính sách của khu công nghệ cần được thiết lập và thi hành một cách thỏa đáng nhằm đảm bảo cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp. Phương thức này sẽ đặt một nền móng quan trọng trong việc thiết lập những công ty mang tầm cỡ quốc tế (đã được thử nghiệm qua tại nhiều quốc gia và được đánh giá là rất quan trọng trong việc phát triển những công ty kỹ thuật mới).

Kinh tế nước ta với đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên khả năng nghiên cứu và tiềm lực bị giới hạn. Việc đầu tư vào kỹ thuật mới, hay cải tiến kỹ thuật còn tương đối thấp. Hơn nữa những khó khăn về kỹ thuật và nhân lực cộng thêm quá tốn kém trong việc nghiên cứu làm chùn bước các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc đầu tư để phát triển. Với những giới hạn này, việc tạo ra một môi trường thuận lợi là công việc hàng đầu của Chính phủ.

Việt Nam thiếu nền tảng khoa học kỹ thuật vững chắc, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các đơn vị cải cách khoa học kỹ thuật của Chính phủ chưa liên kết chặt chẽ với nhau. Việc xem xét và phân tích nền khoa học kỹ thuật nước nhà và đưa ra những chính sách cải cách hợp lý là điều cấp bách để đảm bảo phục vụ một cách hiệu quả công cuộc phát triển đất nước.

Hơn nữa VN còn chưa đánh giá đúng mức vai trò quan trọng mà khoa học kỹ thuật mang lại trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước cũng như sự rời rạc về phương pháp để thiết lập một nền tảng khoa học vững chắc, thiếu những chính sách liên quan. Điều trước mắt cần làm là phải thiết lập những ngành kỹ thuật- các ngành này thường đòi hỏi cơ sở vật chất tốn kém- cần xây dựng, nuôi dưỡng những tiềm năng khoa học kỹ thuật để phát triển và thích nghi tùy theo tình hình kinh tế nước ta.

Nhằm thu hút khoa học kỹ thuật từ các công ty nước ngoài, chính phủ nên tạo điều kiện dễ dàng bằng cách đơn giản hóa thủ tục đăng ký hành chính, đưa ra những chính sách ưu đãi đầu tư.

Việc cấp giấp phép làm việc cho những khoa học gia, kỹ thuật gia về nước sinh sống và làm việc nên được dễ dàng cũng như được dự phần trong những thành quả kinh tế mang lại từ công ty của họ… là những chính sách nên có.

Ngoài ra chính phủ cần khuyến khích sinh viên học sinh theo học các ngành khoa học, kỹ thuật nhằm mục đích đào tạo và cung cấp nhân sự cũng như tăng cường đầu tư và hỗ trợ các công trình nghiên cứu tại các trường đại học và các viện nghiên cứu quốc gia.

Bằng cách cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sống, điều kiện làm việc, và các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hổ trợ từ phía chính phủ nhằm tạo cơ hội cho người Việt ở nước ngoài và trong nước cùng chung sức xây dựng và kiến thiết đất nước. Tôi tin tưởng Việt Nam sẽ có khả năng phát triển vượt trội về kinh tế.

  • Duc Pham 
,
,