,
221
4541
10 năm Việt Mỹ
10namvietmy
/10namvietmy/
674410
Trường đại học - nơi ý tưởng có quyền lực thống trị
1
Article
null
,
Giáo sư Lawrence H. Summers, Hiệu trưởng, Đại học Harvard:

Trường đại học - nơi ý tưởng có quyền lực thống trị

Cập nhật lúc 09:15, Thứ Hai, 27/06/2005 (GMT+7)
,

Ngày 24/6, trong thời gian Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm Trường Đại học Harvard, Giáo sư Lawrence H. Summers, Hiệu trưởng nhà trường đã trả lời phỏng vấn TBT VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn về vấn đề toàn cầu hoá và nguyên nhân  thành công của nền giáo dục đại học Hoa Kỳ.

Soạn: AM 459549 gửi đến 996 để nhận ảnh này
GS Lawrence H. Summers tiếp kiến Thủ tướng Phan Văn Khải.


Tổng biên tập VietNamNet (VietNamNet): Việt Nam đã theo con đường của các nước Đông Á thành công trong việc sử dụng chiến lược phát triển dựa vào xuất khẩu. Tuy vậy, những bất cân đối toàn cầu vô cùng lớn hiện nay, ví dụ như thâm hụt thương mại gia tăng của Hoa Kỳ, có thể gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho chiến lược này. Ông có những gợi ý gì về những bước đi mà Việt Nam có thể tiến hành để khai thác lợi ích của tăng trưởng xuất khẩu nhưng vẫn có thể tránh được tác động của khả năng bất ổn có thể xảy ra tới đây?

LAWRENCE H. SUMMERS: Điểm then chốt đối với Việt Nam là tập trung vào việc đa dạng hóa cơ sở xuất khẩu để có được một số lượng lớn các mặt hàng xuất khẩu sang một số lượng lớn quốc gia. Đa dạng hóa là điều thiết yếu. Đảm bảo có lượng dự trữ ngoại hối đáng kể cũng là điểm quan trọng. Kinh nghiệm cho thấy một cơ chế tỷ giá hối đoái có tính linh hoạt cao sẽ tốt hơn một cơ chế kém linh hoạt trong việc phản ứng hiệu quả các cú sốc quốc tế.

VietNamNet: Chúng ta nói rằng là chúng ta đang sống trong một thế giới mà toàn cầu hóa là điều tất yếu. Tuy vậy, ở Hoa Kỳ và châu Âu, chúng ta thấy có những lực lượng đáng kể cưỡng lại toàn cầu hóa. Việc biểu quyết đầy khó khăn về Khu vực Thương mại Tự do Trung Mỹ, các tranh cãi về xuất khẩu của Trung Quốc và sự kiện bỏ phiếu “không” đối với Hiến pháp Cộng đồng châu Âu (EU) ở Pháp và Hà Lan là những ví dụ tiêu biểu. Điều gì tạo ra thái độ tiêu cực đối với toàn cầu hóa ở các nước giàu và Việt Nam có thể rút ra những gì từ các quan điểm này?

LAWRENCE H. SUMMERS: Lý do chính yếu gây ra tư tưởng bảo hộ ở các nước đã phát triển là sự kết hợp của yếu tố chính trị và thái độ bàng quan. Những đối tượng bị thua thiệt từ sự cạnh tranh của nhập khẩu biết họ là ai. Họ tổ chức lại, gây áp lực lớn và chống lại việc mở cửa thị trường, chống lại tự do hóa thương mại. Những ai hưởng lợi, trong đó có người tiêu dùng, các doanh nghiệp sử dụng lao động và xuất khẩu, thấy khó có thể nhận diện ra chính mình, khó tổ chức và khó gây áp lực. Đây là một vấn đề nghiêm trọng nhưng tôi tin rằng cuối cùng thì thế giới cũng có nhiều khả năng tiến theo hướng tự do hóa.

Đối với tôi, chưa có gì đảm bảo là những sự kiện trong EU sẽ không thúc đẩy xu thế ủng hộ tự do hóa cho các quốc gia ngoài EU bởi vì chúng ta phải tính tới một trở ngại là một cơ cấu Brussels mạnh hơn sẽ chỉ đạt được tính đoàn kết và đồng thuận thông qua việc gia tăng bảo hộ.

VietNamNet: Toàn cầu hóa đã đi liền với sự gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập ở cả Hoa Kỳ và Việt Nam. Ông có cho rằng toàn cầu hóa tạo ra bất bình đẳng? Nếu vậy thì có thể làm gì để giảm tình trạng này mà không làm mất đi những lợi ích của nó?

LAWRENCE H. SUMMERS: Toàn cầu hóa không nhất thiết làm gia tăng bất bình đẳng. Việc tạo ra nhiều việc làm trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo ở các nước đang phát triển là cách thức rất quan trọng để phát triển một tầng lớp trung lưu; đó làm điểm then chốt để thúc đẩy xã hội. Điều này cũng đúng với việc gia tăng trình độ giáo dục. Những bằng chứng tốt nhất cho thấy rằng không hề có một mối tương quan có hệ thống giữa đẩy mạnh tăng trưởng thông qua mở cửa và thay đổi về mức độ bất bình đẳng.

VietNamNet : Ông là người đứng đầu một trường đại học lớn trên toàn cầu và hệ thống giáo dục đại học ở Hoa Kỳ đang là mẫu hình thực tế trên thế giới. Đâu là những yếu tố cho sự thành công của mô hình giáo dục đại học của Hoa Kỳ? Sự thành công này có được duy trì không hay ông thấy những mô hình khác sẽ thay thế nó? Dường như phát triển các trường đại học đỉnh cao rất tốn kém. Ông có những lời khuyên nào cho các quốc gia như Việt Nam vốn sẽ thu được lợi ích từ những trường đại học như thế này, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng chúng?

LAWRENCE H. SUMMERS: Thành công của giáo dục đại học tại Hoa Kỳ phản ánh nhiều thứ. Nó phản ánh một sự cam kết đầu tư nguồn lực. Nó phản ánh một văn hóa ở các trường đại học trong đó có ít sự chi phối của cơ quan quyền lực tập trung; thay vào đó là một cơ chế cho phép tất cả các ý tưởng có thể nảy nở.

Yếu tố trọng yếu tạo nên thành công của các trường đại học Hoa Kỳ là sự cam kết đề cao quyền lực thống trị của các ý tưởng chứ không phải là ý tưởng cho rằng phải có quyền lực thống trị. Nếu một sinh viên sau đại học trẻ tuổi đã học tập, nghiên cứu ở Harvard được 18 tháng chứng minh rằng cách diễn giải sách giáo khoa của một giáo sư kỳ cựu là sai thì hành động này đều được tất cả hoan nghênh; và thường thì người đầu tiên đưa ra lời chúc mừng chính là người có công trình đã được sinh viên đó sửa sai. Duy trì nhiệt huyết này, sự va chạm này của các quan điểm và sự tuân thủ này về nguyên tắc thống trị của các ý tưởng là điểm then chốt tạo nên thành công của chúng tôi.

Một yếu tố quyết định nữa là các trường đại học cạnh tranh mãnh liệt với nhau để có được các sinh viên tốt nhất, các giảng viên trẻ tốt nhất và sự trung thành của các nhà tài trợ. Thành công không đến từ việc lặp đi lặp lại những điều chính thống, mà đến từ việc tạo dựng ra ý tưởng mới. Không có môi trường cạnh tranh, thì xu hướng tự lặp lại, tự bằng lòng với những gì đã có sẽ có thể thống trị.

Sau cùng, quản lý một trường đại học là một vấn đề tinh tế. Như chúng ta thường chứng kiến ở các nước khác cũng như ngày càng thấy rõ trong giáo dục đại học công ở Hoa Kỳ, các nỗ lực quản lý mọi mặt hoạt động xã hội của những cơ quan chính quyền lớn đều đi đến kết cục thất bại. Tính sáng tạo bị đẩy lùi thay vì được thu hút, cảm hứng bị đè bẹp và kết quả thu được là sự thất vọng. Đồng thời, chúng ta cũng thấy rằng một đội tuyển không thể được quản lý bởi những tuyển thủ của mình. Ở rất nhiều nơi, các trường đại học được quản lý bởi những lãnh đạo hàn lâm do giảng viên, sinh viên và nhân viên hành chính bầu ra. Khi đó, quyền lực của lãnh đạo để áp đặt tiêu chuẩn cao bị giảm thiểu và tầm nhìn của lãnh đạo để đảm bảo khả năng đổi mới trong dài hạn bị hạn chế.

Thành công phụ thuộc vào giải pháp dung hòa. Lãnh đạo phải mạnh nhưng không quan liêu. Lãnh đạo phải nhận ra rằng những ý tưởng tuyệt với nhất đến từ các học giả sáng tạo, chứ không phải từ các giám đốc quản trị. Và lãnh đạo phải biết rằng nếu mọi thứ đều là ưu tiên thì sẽ chả có gì là ưu tiên. Bởi vì ưu tiên, giống như năng lượng và giống như vốn, phải được tiết kiệm.

  • Nguyễn Anh Tuấn (từ Boston)
     
,
,