,
221
8648
Đồng hành
donghanh
/10nam/donghanh/
1014114
Những kỳ dị đằng sau cụm từ "xã hội hóa" giáo dục
1
Article
8641
10 năm
10nam
/10nam/
,

Những kỳ dị đằng sau cụm từ 'xã hội hóa' giáo dục

Cập nhật lúc 17:13, Thứ Ba, 11/12/2007 (GMT+7)
,

"Tôi ngạc nhiên khi thấy xuất hiện cụm từ “xã hội hóa” ở Việt Nam ta - có lẽ là xuất hiện từ khoảng mươi năm nay, và càng ngày càng bị sử dụng một cách thản nhiên theo nghĩa ngược lại".

 

e
Một lớp học ở trường THCS Láng Thượng, Hà Nội.
Ông Bùi Trọng Liễu - Nguyên giáo sư Đại học (Paris, Pháp) cho biết như vậy trong bài viết gửi tới VietNamNet từ những câu chuyện "xã hội hóa giáo dục" đang được nhắc nhiều trong thời gian gần đây. Dưới đây là bài viết của ông.

 

Ở các nước phương Tây, dù là người cộng sản hay không, cụm từ “xã hội hóa” (tiếng Pháp là socialisation, từ ngữ mà tôi quen thuộc) từ trước tới nay, vẫn thường được dùng theo nghĩa “tập thể hóa”, “đặt dưới chế độ cộng đồng”, “quản lý hay điều khiển [của nhà nước] nhân danh xã hội”, v.v. Tôi nghĩ rằng các ngôn ngữ nước khác, qua từ điển, thấy cũng có nghĩa tương đương.

 

Cho nên tôi ngạc nhiên khi thấy xuất hiện cụm từ “xã hội hóa” ở Việt Nam ta – có lẽ là xuất hiện từ khoảng mươi năm nay, và càng ngày càng bị sử dụng một cách thản nhiên theo nghĩa ngược lại - theo nghĩa đẩy gánh nặng tài chính lên vai người công dân , và trao cho tư nhân đảm nhiệm một số lĩnh vực thuộc bổn phận nhà nước phải quản lý, đặc biệt là giáo dục đào tạo.

 

Theo tôi biết, ở các nước tiên tiến hay không, sự tham gia của người công dân vào lĩnh vực giáo dục đào tạo này được thể hiện qua sự hiện diện trong các hội đồng quản trị hay tư vấn, của các phụ huynh học sinh, của các công đoàn, của đại diện xã hội dân sự, vv. và nói chung qua tiếng nói của dư luận, chủ yếu là để góp ý về chiến lược, về hướng phát triển, đề nghị những giải pháp phù hợp cũng như để tố cáo những bất cập.

 

Ở những nước đó, tôi không hề thấy có sự cưỡng bức nào ghi trong hiến pháp (thí dụ như cuỡng bức học hết tiểu học, hay học đến tuổi 16, v.v....) mà lại gắn liền với sự cưỡng bức gia đình người học phải đóng học phí, nhất là học phí cao. Nếu có, thì thật là một sự kỳ dị, vì người dân phải đóng thuế, vậy thì thuế đó dùng để làm gì? Nếu quả là mức thu nhập của người dân đất nước đó chưa đủ cho phép có phương tiện vật chất để bảo đảm những mục tiêu “cao” trong việc học hành , vv. thì họ cũng đủ lương thiện để  “liệu cơm mà gắp mắm”, và không đưa vào hiến pháp những điều mà rốt cục nhà nước của họ không thực hiện được.

 

Ai cũng ước mơ có một nền giáo dục đào tạo với chất lượng tốt. Và tất nhiên, chất lượng tốt đòi hỏi những phương tiện về nhân sự và về vật chất, với một giá phải trả. Nhà nước thay mặt xã hội để điều hành, quản lý công việc của đất nước, bảo đảm cuộc sống của toàn dân.

 

“Công bằng”, “bình đẳng” trong việc học hành, không có nghĩa là ai ai cũng phải có bằng cấp cao, mà có nghĩa là : giàu nghèo sang hèn, ai có trình độ thì học cao, ai không có trình độ thì học vừa đủ, theo số chỗ mà phương tiện của đất nước có thể bảo đảm nổi. Thi tuyển để lấy người vào học trong các trường công lập mang ý nghĩa đó, cho nên không thể tăng học phí vô tội vạ ở các trường thuộc hệ thống đó, gây ra sự kỳ thị giàu nghèo. Nếu không đủ ngân quĩ để bảo đảm mức độ của trường công lập, thì đừng mở tràn lan. Đó là trách nhiệm quản lý của nhà nước. Tất nhiên, có thể có những đóng góp của những nhà hảo tâm cho các trường, nhưng đó là tự nguyện.

 

Thiết tưởng đừng dùng cụm từ “xã hội hóa” để nhập nhằng che đậy việc ép buộc đóng học phí cao hay những chi phí nhì nhằng gì khác trong hệ thống công lập.

 

Còn các trường tư thì tùy mức độ ; tuy nhiên tư bản hoang dã kiểu thế kỉ 19, và kinh doanh giáo dục tàn nhẫn, ngày nay không còn tồn tại ở đa số các nước trên thế giới nữa.

 

Bùi Trọng Liễu - Nguyên giáo sư Đại học (Paris, Pháp)

,
,